Mở đầu
Trên con đường học lập trình, mỗi người lại lựa chọn cho mình những cách tiếp thu kiến thức khác nhau.
- Có anh em thì cảm thấy xem video Youtube, Facebook ngắn gọn và dễ hiểu hơn.
- Có anh em khác lại thích ngâm cứu document từ chính chủ ngôn ngữ/framework/library viết ra.
- Nhiều anh em lựa chọn đi học tại các trung tâm, câu lạc bộ lập trình, vì cảm thấy bản thân cần tương tác với mọi người nhiều hơn thì mới học vào được.
- Tham gia các diễn đàn, các trang web chia sẻ kiến thức giống như Viblo.
- Một cách học được đánh giá hiệu quả nữa, đó là đọc sách.
- Và đương nhiên, không thể thiếu, nhiều anh em lựa chọn apply vào các công ty để được join vào các dự án với những bài toán thực tế. Vừa làm vừa tìm hiểu, học hỏi từ những đàn anh có kinh nghiệm, và kết hợp với tất cả những cách học ở trên, để dần dần nâng cao kiến thức, kỹ năng, cũng như kinh nghiệm của mình.
Dù bằng cách nào đi nữa, chỉ cần chúng ta đều đặn đều đặn mỗi ngày cố gắng, kiên trì một chút thôi, thì sau thời gian dài tích lũy, bạn sẽ nhận về những trái ngọt như một điều tất yếu.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với anh em những cuốn sách, theo mình là "MUST READ" đối với các anh em đang định hướng theo mảng Web. Vì bài viết nằm trong khuôn khổ series chia sẻ với các bạn sinh viên muốn trở thành Fresher, Junior, nên mình sẽ tập trung giới thiệu những cuốn sách ở level này. Với những anh em đang ở level cao hơn thì có thể cân nhắc trước khi đọc bài viết của mình nhé.
Đối với kinh nghiệm của bản thân mình, mình thích học theo phương pháp kết hợp hơn, tức là học từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, kiến thức từ việc đọc sách vẫn luôn được mình ưu tiên hàng đầu. Lý do bởi vì theo quan điểm của cá nhân mình, thì để xuất bản được một cuốn sách lập trình và cuốn sách đó được đông đảo anh em trong giới lập trình đón nhận, thì chắc chắn tác giả đã đầu tư công sức, thời gian và sự tỉ mỉ nhiều hơn trong từng câu chữ. Từ đầu đến cuối sách sẽ là một sự logic, mạch lạc, giúp anh em mới, tiếp cận kiến thức một cách bài bản.
Dưới đây sẽ là danh sách 10 cuốn sách để các bạn tham khảo:
1. Giáo trình trên trường Đại học
Bất ngờ chưa ông/bà già 🫣 Suggest này thực sự dựa vào trải nghiệm cá nhân của bản thân mình.
Hồi cấp 3 mình lựa chọn thi vào chuyên ngành An toàn thông tin của trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), vì mình thấy mấy anh Hacker trên phim thật siêu cấp Vjp Pr0, ngầu lòi các thứ các thứ. Nhưng đến khi vào đại học thì bị "vả" cho sấp mặt.
Mình tự nhìn nhận bản thân hồi học đại học thực sự rất sợ code, sợ đến mức ghét code. GPA khi ra trường đạt 3.19, nhưng chủ yếu là do những môn lý thuyết kéo lên, còn những môn thực hành thì tệ Vô Cùng Luôn.
Hậu quả là 2 lần thực tập thời năm 3 ở Viettel và năm 4 ở VNPT mình đều bị đánh giá failed do không đủ năng lực. Lý thuyết thì oke đấy nhưng đi vào thực hành thì như tờ giấy trắng.
Mọi thứ chạm đáy khi mình liên tục gặp stress khi càng gần đến ngày tốt nghiệp ra trường. Và điều gì đến cũng phải đến. Sau khi làm đồ án cùng thầy hướng dẫn được 1 tuần, thì mình quyết định nhắn tin xin thầy hủy bỏ việc làm đồ án để học học phần thay thế, và quyết định bỏ ngành.
Lúc nhắn tin với thầy hướng dẫn, thực sự mình đang muốn chuyển sang nhiếp ảnh. Câu cú dài dòng hoa mỹ trong tin nhắn các bạn có thể bỏ qua nha, vì cảm xúc lúc đó dạt dào quá nên tin nhắn cũng hơi sướt mướt và có vẻ thảo mai 😅 Tuy nhiên rốt cuộc thì mình cũng không theo được mảng này. Vì tiềm lực kinh tế chưa đủ và quan trọng nhất là mình không thực sự đam mê như mình nghĩ ở lúc cao hứng (Đây là vấn đề mà mình rất hay gặp phải thời sinh viên)
Sau khi ra trường, mình đã thử đi làm những ngành nghề khác như bưng bê tại quán ăn chay, rồi đi bán quần áo tại cửa hàng TokyoLife Cầu Diễn. Chỉ khi thực sự được trải nghiệm việc làm trong những ngành nghề khác, mình mới cảm nhận được sự vất vả, khó nhọc của các anh chị em làm ở lĩnh vực này. Đi bưng bê gặp những khách hàng trái tính trái nết, nhưng vẫn bình tĩnh niềm nở chào đón họ để giữ gìn hình ảnh cho nhà hàng. Đi bán quần áo thì phải đứng cả ngày để tiếp khách, có những hôm làm thay ca cho đồng nghiệp nghỉ phép thì sẽ đứng khoảng 9-10 tiếng/ngày. Ám ảnh nhất là vì mình ít nói, không có khiếu cũng như kỹ năng bán hàng, nên chỉ biết cười thân thiện là nhiều, không tư vấn hiệu quả được cho khách nói riêng và mang lại doanh thu cho cửa hàng nói chung.
Mất khoảng 7 tháng làm 2 công việc trên, mình mới cảm nhận được sự thay đổi trong suy nghĩ. Khi đó động lực quay trở lại học lập trình lớn hơn rất rất nhiều, hơn tất cả những năm tháng học đại học mình đã từng trải qua.
Và mình mất thêm khoảng 1 tháng để học những kiến thức nền tảng của lập trình Web, trước khi apply và được nhận làm Fresher.
Một trong những cuốn sách mà mình đã học trong 1 tháng đó là cuốn Bài giảng Ngôn ngữ lập trình C++ của thầy Nguyễn Mạnh Hùng và thầy Nguyễn Mạnh Sơn. Hai giảng viên nổi tiếng nhiệt tình và tâm huyết của trường PTIT. Nếu bạn nào học PTIT đọc được bài viết này, chắc chắn cũng sẽ biết đến 2 thầy.
Cuốn sách này không chỉ giúp mình học được những khái niệm cơ bản trong C++, mà còn giúp mình hiểu những định nghĩa trong lập trình hướng đối tượng.
Mình đã từng học môn này trên trường, nhưng không chịu khó lắng nghe và tìm hiểu những kiến thức mà thầy cô giảng dạy trên lớp. Cho đến khi xảy ra những biến số trong con đường nghề nghiệp, khi quay trở lại thì ý thức và khát khao "được học tập" đã hoàn toàn khác.
Nhờ các kiến thức học được trong cuốn giáo trình này, việc trải qua các bài test và phỏng vấn để trở thành Fresher của mình diễn ra cũng khá dễ dàng.
2. Code Dạo Kí Sự – Lập Trình Viên Đâu Phải Chỉ Biết Code
Đây là cuốn sách tổng hợp lại những bài viết hay nhất trên trang "Tôi đi code dạo" nổi tiếng của anh Phạm Huy Hoàng "Wibu".
Cuốn sách đặc biệt hữu ích với vai trò định hướng nghề nghiệp, giúp các bạn sinh viên còn đang mơ hồ trên con đường lập trình hiểu hơn về những khái niệm, kỹ năng cả cứng và mềm, cũng như nhưng kinh nghiệm xướng máu của nhiều nhiều thế hệ lập trình viên đi trước.
Với cách viết dí dỏm, hài hước, cuốn sách này khiến mình đọc thực sự cuốn từ đầu đến cuối chỉ trong vòng 1 ngày.
Mình tin các bạn sẽ cảm thấy thoải mái, mở mang được nhiều kiến thức và hứng thú với ngành hơn sau khi đọc được cuốn sách này.
3. Head First HTML and CSS
Head First là một series quá nổi tiếng của O'Reilly mà chắc hẳn nhiều bạn đều biết rồi.
Nội dung cuốn sách này tập trung vào kiến thức cơ bản về HTML và CSS thông qua những ví dụ được giải thích chi tiết bằng hình ảnh sinh động. Rất thích hợp cho người mới học lập trình.
Mình thì thích đọc series của Head First, vì thấy cách viết và từ vựng sử dụng trong sách phù hợp với khả năng đọc hiểu tiếng Anh của mình.
Tuy nhiên cũng có nhiều đàn anh đi trước chia sẻ về một series tương tự, đó là For Dummies. Các bạn cũng có thể tìm và đọc xem series nào phù hợp hơn nhé.
4. Head First JavaScript Programming
Quá trình học Javascript cơ bản của mình gắn liền với cuốn sách này và trang W3Schools.
Tương tự như cuốn Head First HTML and CSS, cuốn sách này giải thích cặn kẽ về cách Javascript hoạt động, những khái niệm cơ bản về biến, hàm, mảng, vòng lặp, .... thông qua hình ảnh và các ví dụ dễ hiểu.
5. The Manga Guide to Databases
Yeah, các bạn không nhìn nhầm đâu. Một cuốn sách Manga viết về các kiến thức liên quan đến Database.
Có thể nói đây là cuốn sách thú vị nhất về lập trình mà mình đã từng đọc. Chắc bởi vì trước đó mình cũng thích xem Naruto, một bộ phim anime nổi tiếng được chuyển thể từ manga cùng tên, chắc hẳn cũng gắn liến với tuổi thơ của nhiều anh em.
The Manga Guide to Databases xoay quanh câu chuyện về công chúa Ruruna của vương quốc Kod. Khi nhà vua và hoàng hậu đi vắng, cô phải quản lý đế chế bán trái cây khổng lồ của vương quốc mình. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của một cuốn sách bí ẩn và nàng niên nhỏ, cô đã giải quyết được tất thảy các vấn đề với sự kỳ diệu của database.
Vừa đọc manga, vừa học tiếng Anh, vừa học kiến thức database, lợi cả 3 đường. Còn chần chờ gì mà không đọc cuốn sách này nữa nhỉ? 🤘
6. Superhuman by Habit
Từ khi tích cực chia sẻ về kiến thức và kinh nghiệm lập trình trên Facebook, Youtube cũng như Viblo, mình nhận được khá nhiều tin nhắn của các anh em đang còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chia sẻ về những vấn đề khó khăn mà các bạn đang gặp phải. Đặc biệt là câu hỏi làm sao để vượt qua sức ì của bản thân, cảm thấy chán nản, muốn học tập nhưng lại không có đủ động lực, mất định hướng để bắt tay vào làm việc đó.
Superhuman by Habit chính là cuốn sách mình thường sử dụng để suggest những anh em đang gặp phải trường hợp như vậy nhiều nhất.
Thông qua cuốn sách, mình học được cách Đều đặn thực hiện những thói quen nhỏ - mini habits.
Ngày xưa mình hay đặt những mục tiêu 3 tháng, 6 tháng, 1 năm. Và hay dựa vào động lực để làm việc. Ngày nào vui vui, có động lực thì học nhiều lắm. Nhưng động lực tuột xuống là các kế hoạch hay ho đến đâu cũng bỏ hết.
Sau đó đọc được cuốn sách này, mình bắt đầu duy trì thực hiện những thói quen nhỏ đến mức gần như KHÔNG THỂ NÀO mà không hoàn thành được.
Ví dụ như đọc 10 trang sách/ngày. Hôm nào vui vui thì mình đọc 30, 50 trang. Còn hôm nào tệ nhất thì mình vẫn dễ dàng hoàn thành việc đọc 10 trang.
Cứ như vậy 1 năm trôi qua, nhìn lại kết quả thì tự bản thân cảm thấy tự hào vì sự kiên trì của chính mình ❤️
Tất cả những thói quen nhỏ mà mình thực hiện, mình đều không đặt kỳ vọng kết quả sẽ đến tức thời, mà nó đến lúc nào cũng được. Vì mình tin thành quả sẽ đến như một điều tất yếu, sau những sự kiên trì này.
7. Clean Code
Một cuốn sách nên được coi là "Cuốn sách gối đầu giường" của mọi lập trình viên. Cuốn sách được viết bởi tác giả Robert C. Martin, hay còn được gọi với cái tên quen thuộc là Uncle Bob. Nội dung cuốn sách viết về những hướng dẫn giúp lập trình viên có thể viết "code sạch" - dễ đọc, dễ hiểu, dễ bảo trì.
Bạn có thể thử đọc lại code của mình viết cách đây khoảng 3 tháng, hoặc cho những người bạn đọc code của mình xem họ có hiểu không. Nếu câu trả lời là Không, thì chắc chắn đây là cuốn sách mà bạn cần.
Môi trường làm việc thực tế sẽ khác rất nhiều so với khi học trên trường. Code trên trường mình thường cố gắng code làm sao để chạy được, ra đúng kết quả đề bài yêu cầu, nộp cho giáo viên và nhận về điểm ABCD, rồi có khi xóa luôn project đã code đi để chuyển sang học kỳ mới. Tuy nhiên, trong môi trường làm việc thực tế, một sản phẩm sẽ được code bởi công sức của rất nhiều lập trình viên. Sản phẩm đó sau đó sẽ tới tay người dùng, nó có thể phát sinh bug và chúng ta phải fix. Thử đặt trường hợp mình là một lập trình viên mới vào dự án, đọc được những dòng code khai báo biến đặt tên là abc, xyz, rồi những function dài hàng cây số, thì bạn sẽ khó chịu và chán ngán như thế nào? Đó cũng có thể là cảm giác tương tự với một người khác trong team, nếu chính bản thân bạn là người code ra đống bùi nhùi như vậy.
Nhiều bạn biện minh rằng deadline dí quá, cố code cho xong rồi sau này "có thời gian" thì sẽ refactor code lại sau. Nhưng định nghĩa "sau này" của developer thường là "không bao giờ" 😏
Hãy đọc, học và áp dụng nội dung trong cuốn sách này, để trở thành một Developer "có tâm" bạn nhé!
8. Software Craftsmanship: The New Imperative
Thực ra cuốn sách này mình mới đọc gần đây, nhưng sau khi đọc xong thì mình ước "giá như mình đọc nó sớm hơn".
Trước khi đọc cuốn sách này, mình đang rơi vào trạng thái bế tắc với vị trí Dev Lead của dự án. Như các bạn đã biết thì career path của lập trình viên thường chia làm 2 nhánh chính là hướng Quản lý (Management) và hướng Kỹ thuật (Technical).
Vào khoảng năm thứ 2 làm việc tại công ty, nhận được sự tin tưởng từ cấp trên, mình đã chia sẻ với các anh rằng muốn theo hướng Quản lý. Và sau đó mình được giao thử sức với một team gồm 3 thành viên. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ với sự tương tác qua lại và bản thân mình cảm thấy mình cũng support được cho anh em nhiều điều.
Sau đó, số lượng thành viên tăng lên thành 5. Lúc này những khó khăn bắt đầu ập đến. Lúc đó đúng vào thời điểm Covid-19 lan rộng trên cả nước, công ty quyết định làm việc remote. Mình đã gặp vấn đề thực sự khi giao tiếp online với các anh em trong team, và kể cả với các anh quản lý. Sau đó, phải nhờ đến sự support và chia sẻ rất nhiều từ kinh nghiệm quản lý của các anh, mình mới thoát được khỏi những stress nặng nề thời điểm ấy.
Đến khi đi làm trở lại tại công ty, mọi thứ tiến triển tốt dần lên. Và rồi team mình quản lý tiếp tục gia tăng quân số lên thành 8 bạn. Có thời điểm lên tới 10 developer. Mình bắt đầu tổ chức những buổi seminar nhiều hơn để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, về cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, cho anh em lập trình viên mới.
Nhưng rồi đến một thời điểm, mình cảm thấy bản thân bị chững lại ở kỹ năng chuyên môn, do tập trung quá nhiều vào việc quản lý nhân sự.
Nhiều bạn đọc đến đây có thể cảm thấy mình rắc rối và suy nghĩ nhiều điều phức tạp quá. Mình hoàn toàn đồng ý, nhưng mình cũng không lấy đó làm điều gì xấu về bản thân. Điều gì đến sẽ đến. Mình cho rằng đó là những trải nghiệm và cảm xúc mà mình nhất định phải vượt qua để trưởng thành hơn.
Và quyết định của mình khi ấy của mình là xin dừng công tác quản lý để tập trung vào việc nâng cao chuyên môn. Quá trình làm quản lý là một quá trình thú vị và mình tự hào về khoảng thời gian đó. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mình tôn trọng mong muốn của bản thân mình. Và điều đó khiến mình thoải mái, năng suất công việc cũng như kiến thức được cải thiện rõ rệt.
Cuốn sách "Software Craftsmanship: The New Imperative" chính là một trong những động lực chính giúp mình hạ quyết tâm thay đổi. Nội dung cuốn sách chia sẻ về góc nhìn vào những Developer như một "người thợ thủ công lão luyện" hay có thể gọi là "nghệ nhân".
Trở thành một "nghệ nhân" phần mềm không đơn giản chỉ là hoàn thành một chứng chỉ nào đó hoặc vượt qua một kỳ thi, mà là xây dựng một chuỗi các ứng dụng thành công, mạnh mẽ, chất lượng cao dẫn đến sự công nhận của người dùng, khách hàng và các nhà phát triển khác.
Các lập trình viên sẽ biết rằng họ đã đạt được trình độ thành thạo khi các lập trình viên khác tìm kiếm và mong muốn được làm việc với họ, khách hàng và người quản lý muốn họ trực tiếp tham gia phát triển ứng dụng, và người dùng đề xuất những sản phẩm mà họ làm.
Ngoài ra mình cũng rất thích một góc nhìn của tác giả, mặc dù hơi khó chấp nhận cho những lập trình viên hoặc các vị trí quản lý mới, nhưng góc nhìn này cũng đáng để tham khảo nếu sau này anh em có kinh nghiệm dần lên. Đó là: "Các lập trình viên giỏi có giá trị hơn người quản lý của họ". Anh em quản lý cần làm quen với việc lập trình viên trong team của mình có thể được trả lương cao hơn cả mình.
Đây là kết quả tự nhiên của việc từ bỏ cách tiếp cận dự án sử dụng vô số lập trình viên trung bình, và thay thế họ bởi một số lượng ít những lập trình viên giỏi. Quản lý 30 lập trình viên là một nhiệm vụ khó khăn, trong khi quản lý 3 hoặc 4 lập trình viên giỏi thì dễ dàng hơn nhiều. Thay vì trả lương trung bình (hoặc có thể nói là thấp) cho 30 lập trình viên kia, bạn có thể sử dụng để trả lương thật cao và xứng đáng cho những lập trình viên giỏi - những người có thể tạo ra phần mềm chất lượng nhất, hiệu năng cao nhất và mang lại trải nghiệm người dùng tốt nhất.
Có thể anh em sẽ thấy điều này khó xảy ra với môi trường làm việc của mình hiện tại, hoặc mình là người mới mà công ty nào cũng đòi hỏi như trên thì cơ hội của mình ở đâu. Suy nghĩ đó là hoàn toàn hợp lý. Để áp dụng vào tổ chức nào, thời điểm nào thì sẽ là do sự đánh giá "mức độ phù hợp" của những người trong tổ chức đó. Tuy nhiên rõ ràng góc nhìn trên mang lại một mục tiêu lớn mà sâu thẳm trong mỗi anh em lập trình viên chúng ta đều mong muốn đạt được.
9. The Art of Unit Testing
Cuốn sách mà mình đã sử dụng để tham khảo rất nhiều khi được anh Viện trưởng của công ty đề xuất tổ chức seminar cho anh em kiến thức về Unit Test.
Nội dung cuốn sách xoay quanh việc viết Unit Test cho code C#. Nhưng dù là không code ngôn ngữ này, anh em vẫn hoàn toàn có thể đọc nó để tiếp thu "nghệ thuật" từ những ý tưởng được trình bày trong cuốn sách.
Viết Unit Test sẽ giúp anh em lên một tầm cao mới trên con đường lập trình. Anh em có thể tự tin hơn khi nói rằng code của mình đã được cover bởi Unit Test 100%, thay vì rụt rè và chỉ nói chung chung là code em kiểm tra kỹ rồi, "chắc là" là oke rồi anh ạ, mà không có gì để chứng minh cả.
Nhưng chỉ dừng lại ở việc biết viết Unit Test là chưa đủ, nếu không cẩn thận thì chính những Unit Test đó lại trở thành vấn đề cản trở đến công việc của anh em và dự án. Có một thuật ngữ gọi là "dương tính giả (false positive)". Giống như kiểu anh em đi test Covid, mặc dù thực sự thì anh em không bị Covid, nhưng do kit test có vấn đề, nên nó lại hiện ra kết quả "dương tính giả" rằng anh em đã nhiễm Covid rồi.
Áp dụng khái niệm đó vào việc viết Unit Test cũng vậy, nếu không cẩn thận kiểm tra lại những Unit Test mình đã viết, thì có thể những case failed mà Unit Test báo lỗi, lại chính là do đoạn code Unit Test đó gây ra, chứ không phải do đoạn code gốc của hàm.
Thông qua việc đọc cuốn sách "The Art of Unit Testing", anh em sẽ học được những kỹ thuật và lưu ý bổ ích trong việc viết Unit Test.
10. Presentation Zen
Cuốn sách này mình đọc vào thời điểm mới từ Fresher lên thành Junior. Khi đó được các anh giao cho support một số bạn Fresher khác trong team, nên mình hay tổ chức những buổi seminar nhỏ, chia sẻ về những kiến thức cơ bản trong lập trình Web.
Thời điểm ấy mình cũng là fan hâm mộ nhiệt thành của anh Hoàng - Tôi đi code dạo. Mình đọc đi đọc lại tất cả các bài viết trên blog của anh Hoàng có lẽ cũng phải 3, 4 lần rồi. Mỗi lần đọc như vậy lại ở một thời điểm khác nhau, kiến thức của mình ở từng thời điểm cũng khác nhau. Nên có nhiều bài lần đầu đọc không hiểu mô tê gì hết, nhưng đến lần thứ 3, thứ 4, khi đã được tiếp xúc với nội dung đó một chút rồi, thì đọc lại thấy thấm hơn nhiều.
Presentation Zen là một cuốn sách thay đổi hoàn toàn cách mình làm slide và thuyết trình.
Nguồn cảm hứng để tác giả Garr Reynolds viết ra cuốn sách này đó là hộp cơm bento của Nhật Bản. Khi nhìn vào hộp bento đơn giản, tinh tế và thanh nhã đó, ông tự đặt câu hỏi: "Why couldn’t the design and presentation of business and technical content for a live talk have more in common with the spirit of the simple bentos sold at Japanese train stations?"
Dưới đây là một trong số những lưu ý nhỏ nhưng có võ có trong cuốn sách:
- Nhiều người trong chúng ta dành quá nhiều thời gian để lo lắng về việc sử dụng các gạch đầu dòng như thế nào, sử dụng hình ảnh ra sao, mà quên mất việc quan trọng đó là suy nghĩ về cách tạo ra câu chuyện sao cho hiệu quả, đáng nhớ và phù hợp nhất với khán giả của mình.
- Thử nghiệm "đi thang máy". Bạn có thể mô tả ý tưởng của mình trong 30-45 giây không?
- Sử dụng câu chuyện khi thuyết trình: Đầu tiên hãy phát biểu vấn đề. Sau đó chỉ ra nguyên nhân gây ra vấn đề. Cuối cùng là cách thức và lý do bạn giải quyết vấn đề.
- Kể những câu chuyện có thật của bạn, không phải đọc line by line trên slide.
- Sử dụng biểu đồ để thể hiện thống kê, hay so sánh, thay vì chỉ gạch đầu dòng các con số.
- Hình ảnh thì dễ ghi nhớ hơn là text. Hãy kết hợp hiệu quả chúng với nhau. Mọi người không thể vừa đọc và vừa nghe hiệu quả cùng một lúc. Do đó nếu bạn sử dụng quá nhiều text, thì khán giả sẽ có thể tập trung đọc nhiều hơn là nghe bạn trình bày.
- Lựa chọn hướng nhìn của "nhân vật trong bức ảnh" bạn sử dụng, để hướng sự tập trung của mọi người.
- ...
Tất cả tạo nên một cuốn sách rất rất hay về nghệ thuật thuyết trình.
Kết bài
Trên đây là nội dung chia sẻ về những cuốn sách MUST READ dành cho anh em Fresher, Junior định hướng theo mảng Web.
Thực ra, đối với bản thân mình, ngoài việc đọc các cuốn sách chuyên môn về lập trình, mình thường đọc xen kẽ cả tiểu thuyết, truyện ngắn, lịch sử, địa lý, ... Mấy thằng bạn mình trước hay trêu bảo mày định trở thành giáo sư, tiến sĩ hay sao mà đọc nhiều thể loại thế. Mình chỉ cười cho vui. Mình nhận thấy bản thân là người khá khô khan và nhạt nhẽo. Nếu chỉ đọc những cuốn sách lập trình thì chắc mình sẽ thành hòn đá tảng mất. Do đó, mình lựa chọn kết hợp đọc những cuốn sách liên quan đến những mảng khác, đặc biệt là văn học, để bản thân được mở mang kiến thức, cũng như bớt nhạt hơn. Có lẽ cũng nhờ đó mà mình cưa đổ và lấy được vợ 😅 Những anh em đang FA cũng có thể thử xem sao nhé 🫶
Không phải cuốn sách nào cũng khiến mình đọc ngấu nghiến từ đầu đến cuối. Nhưng chỉ cần sau khi đọc xong mỗi cuốn sách, mình nhận thấy kiến thức của bản thân đã tiến bộ hơn một chút là đã vui lắm rồi đúng không nào.
Hãy biết chọn lọc và đặt câu hỏi để kiểm chứng lại những kiến thức viết ở trong sách nha anh em. Đặt câu hỏi "Tại sao?" là một trong những cách giúp mình duy trì sự hứng thú và tò mò về ngành lập trình.
Cứ đi rồi sẽ kiểu gì cũng sẽ đến, chỉ sợ vì chán nản mà bạn dừng lại mà thôi.
Chúc các bạn thành công!
Nếu kiến thức này hữu ích cho bạn thì mình hi vọng bạn có thể ủng hộ mình bằng cách follow page Facebook và channel Youtube này để cập nhật những thông tin thú vị về Lập trình nhé. Cảm ơn các bạn rất nhiều!