- vừa được xem lúc

[Chuyện đời][Tản mạn] Sẽ ra sao nếu chúng ta không thích gì ?

0 0 61

Người đăng: Hoàng Phạm Ngọc

Theo Viblo Asia

Như thường lệ, mình là Hoàng đây, cũng đã một thời gian rồi mới quay trở lại để viết lách. Okay, bắt đầu thôi. Chúng ta sẽ cùng đi qua bài viết này với cấu trúc như sau

  1. Lời tựa
  2. Suy ngẫm của tuổi trẻ
  3. Cái kết của một vài ngày suy ngẫm

Lời tựa

Làm thế nào để có thể cân bằng trong cuộc sống, kiếm tiền từ "đam mê". Chắc hẳn ai cũng có câu hỏi, còn câu trả lời thì người có, người không. Tôi cũng vậy. Đây là bài viết hoàn toàn không liên quan đến TECH, nên các bạn có thể quay lại ngay từ đây nếu muốn. Còn theo chân tôi, một người chập chững tuổi 21 cùng vài dòng tâm sự

Suy ngẫm của tuổi trẻ

Chắc hẳn trong số chúng ta, ai cũng đã từng một lần nghe lời khuyên “Hãy làm những gì bạn thích” hay “Sống và làm việc vì đam mê”. Okay, nghe hay đấy ! Nhưng mình sẽ không bàn đến tính phù hợp của những câu nói trên, mà mình muốn hướng đến danh từ “đam mê”. Đối với những người tìm ra được thứ đó rồi thì chúc mừng bạn !!! Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn viết để dành tặng cho những bạn chưa tìm ra “đam mê” của mình.

Hồi tưởng

Tôi vẫn còn nhớ nhân vật linh hồn xanh số 22 trong bộ phim SOUL, linh hồn ấy vẫn luôn ở trong địa phận kẹp giữa thiên đàng và sự sống (tôi quên mất tên vùng đất đó rồi ??. Cô ta không thể tìm ra được mảnh ghép lẽ sống cuối cùng của linh hồn để đầu thai làm con người dù rằng đã thử qua hết mọi hoạt động trong xã hội như phóng tên lửa, làm thí nghiệm,…Và đến cuối phim, cô ta cũng không tìm ra được đam mê của mình, mà là một thứ to lớn hơn, đó là giá trị sống.

Định nghĩa

Để tôi quay lại với khái niệm một chút nhé. Như bao lần làm bài tiểu luận (oh- tôi vẫn còn đang là sinh viên mà ??). Đam mê bao gồm hai yếu tố “yêu thích” và “động lực”, nếu thiếu một trong hai, có thể coi đấy chưa phải là đam mê (đây chỉ mang tính chất tương đối thôi). Nếu chỉ có “yêu thích”, đó chỉ là sở thích; Nếu chỉ có “động lực”, đó cũng chỉ là sự thôi thúc.

Suy diễn

Thỉnh thoảng, tôi cũng thầm ghen tị với những người có đam mê của bản thân họ, và sẽ vừa ghen tị và ngưỡng mộ những người từ sự đam mê đó mà đạt được thành công. Chắc hẳn ai cũng biết để đến với thành công thì không chỉ có ngày một ngày hai mà là cả một quá trình. Và đương nhiên không phải chỉ khi có sự đam mê, đóng vai trò là điều kiện cần và đủ, thì mới đạt được thành tựu. Suy cho cùng, “hiện tượng” – thành công, không hoàn toàn biểu lộ toàn bộ “bản chất” – đam mê, mà chỉ biểu hiện một khía cạnh của “bản chất”. Áp dụng mối quan hệ giữa hiện tượng và bản chất ở trên, có thể hiểu rằng sự thành công của mỗi con người là tổng hòa của nhiều nhân tố, trong đó có sự đam mê. Vậy là chúng ta cũng thấy được sự đam mê đóng vai trò nhất định để đạt đến thành công. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra một vấn đề là mức độ chi phối của “đam mê” là như thế nào ?

Câu trả lời phụ thuộc vào bản thân mỗi người. Mức độ đó bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh ngoại quan (gia đình, môi trường sống, hoàn cảnh xã hội,…) và nhân tố chủ quan (bao gồm vật chất – sức khỏe và phi vật chất – thái độ). Tôi giả dụ thế này nhé: bạn tham gia vào 1 hoạt động có tính chất ganh đua thành tích, bạn không thấy thích lắm với lĩnh vực tham gia đó, bạn thấy chán vì cả ngày chỉ có đọc hiểu ngẫm nghĩ về lĩnh vực trên, tuy nhiên bạn vẫn làm nó, và đến cuối cùng sau thời gian ôn tập, bạn đã đạt được mục tiêu đề ra. Nghe hơi quen, giông giống lúc ôn thi cấp ba. Tôi vẫn nhớ là tôi và mấy đứa bạn tôi, không có đứa nào thích làm văn và cũng chẳng có đứa nào thích tính toán, nhưng chúng tôi cũng thi đậu vào trường THPT đúng nguyện vọng. Vậy đó, chẳng có niềm say mê với môn học nào ở đây cả, và thứ đi theo chúng ta đến tận cùng và có mức độ ảnh hưởng cao hơn cả, đấy chính là kỉ luật. Như vậy, trong trường hợp này mức độ tác động của đam mê không cao.

Tôi cũng đã từng băn khoăn rất nhiều rằng có nên thử làm một đống thứ để xem mình có say mê cái nào không, hệt như linh hồn xanh số 22 kia. Nhưng do thiếu thời gian, tiền bạc và cả tôi hơi lười nữa nên đến giờ vẫn chưa thực hiện được thêm cái nào. Tôi được nghe các lời khuyên từ những người đi trước, đó là chỉ khi mình bắt tay vào làm thì mới tìm ra chứ không phải ngồi nghĩ cả ngày xem mình đam mê điều gì. Nó cũng đúng trong nhiều trường hợp. Thành thực mà nói thì để mà thấy rằng mình có yêu thích cái này không hay công việc này không thì thời gian mới có thể trả lời. Thật khó để mới làm trong lần đầu hoặc vài lần sau đấy mà biết được rằng đó có phải đam mê không, vì thông thường, chúng ta sẽ gặp thất bại ở những lần đầu đó và kết cục là, bỏ cuộc.

Có những người, họ không chắc lắm mình có đam mê công việc này không, nhưng họ vẫn làm, vì nhiều lý do như tiền bạc, phúc lợi, được học hỏi, danh vọng,…Điều đó có thể là động lực, hoặc cũng có thể là xiềng xích trói buộc họ vào trong công việc đó, không ai biết được. Theo logic, như vậy nếu đam mê là lý do chúng ta tiếp tục làm, thì ở một chừng mực nào đó, cũng có thể coi đó là sợi dây xích vô hình trói buộc ta vào đam mê đó.

Cái kết của một vài ngày suy ngẫm

Như vậy, làm việc vì sự đam mê không phải là điều xấu, chúng ta đều biết. Làm việc vì những thứ khác, cũng đương nhiên không phải là thứ xấu xa. Chúng ta không phải là những người vô lo, không gánh nặng. Không làm việc vì đam mê, điều đó là phù hợp. Chỉ cần mỗi chúng ta ghi nhớ một điều, mỗi việc chúng ta làm đều mang lại giá trị, cho bản thân, cho gia đình, cho tập thể và cho xã hội. Khi giá trị càng được bồi đắp nên bằng sự tin tưởng, sự kiên trì và lòng chân thành, thì chúng ta cũng sẽ được đáp lại. Lúc này đây, sự mang lại giá trị cũng là đam mê của bản thân.

Note1: Đây là bài viết của bạn Khánh Linh - sinh viên đại học kinh tế quốc dân. Mình đã chỉnh sửa lại cấu trúc bài viết một chút, nhưng vẫn giữ nguyên nội dung như mong muốn.

Nêu có bất kì thắc mắc gì cần giải đáp, hoặc góp ý cho mình, thì hãy comment ở dưới nhé. Cảm ơn các bạn đã đọc bài viết đến đây.


@hoangpn - Better every day!

Bình luận

Bài viết tương tự

- vừa được xem lúc

Dữ Liệu – Tài Sản Quý Giá Của Thời Đại 4.0

Mở đầu. Trong thời đại 4.

0 0 2