Hành trình dấn thân vào ngành công nghệ của chàng trai kinh tế
Nếu hỏi rằng “Dân kinh tế chuyển ngành sang công nghệ có khó không?”, thì câu trả lời không phải là “khó”, mà là “rất khó”!
Khi tìm hiểu sâu hơn về nghề và quyết định sẽ theo đuổi nó sau này, Sơn phải học cách cân bằng giữa việc học ở Ngoại Thương và việc tự học code. Hàng ngày, chàng trai vẫn hoàn thành việc học của mình trên trường, đến tối hay khi rảnh mới học lập trình. Nhưng quá trình tự học của một lính mới đương nhiên chẳng dễ dàng gì. Sơn bắt đầu hoàn toàn từ con số 0, tự mày mò học trên mạng chứ không có sách vở bài bản như dân công nghệ chính gốc. Nội dung Sơn học được hoàn toàn chỉ dựa trên Internet, từ những website học lập trình nổi tiếng như freeCodeCamp hay Codecademy chứ không thông qua trường, lớp hay trung tâm dạy thêm nào. Cản trở lớn nhất là việc không có người đi trước để hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc và chỉ cho mình hướng đi đúng đắn. Khi nói chuyện với Sơn, tôi có hỏi: “Vậy có bao giờ anh muốn bỏ cuộc không?”. Sơn chỉ cười, bảo: “Đã là sở thích rồi thì chẳng bao giờ mệt mỏi hay chán nản”.
Sau thời gian dài tự học, một thay đổi lớn đến với Sơn khi cậu được một đàn anh trong cộng đồng freeCodeCamp rủ ứng tuyển vào WeFit (giờ là WeWow), một start-up tại Hà Nội (Bật mí với bạn, freeCodeCamp là một trong những website học lập trình miễn phí cực hiệu quả, bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây). Lúc này Sơn vẫn đang học năm cuối, lại đi thực tập trái ngành lần đầu, nên cậu cảm thấy mình thua kém rất nhiều về cả kiến thức cơ bản lẫn kỹ năng. Nhưng vì nhận thức được mình đang ở đâu mà Sơn nỗ lực gấp nhiều lần người khác. Dù lịch học năm cuối dày đặc nhưng chàng trai vẫn luôn cố gắng tận dụng nhiều thời gian nhất có thể trên công ty. Với Sơn, đi làm thực tế chính là cách nhanh nhất để cậu được giải đáp rõ ràng về kiến thức và cải thiện kỹ năng của mình.
Tôi nhớ nhất câu Sơn nói với tôi rằng: “Quan trọng nhất là thái độ với việc học hỏi thôi”. Quả thực, thái độ với việc học hỏi có thể thay đổi tất cả. Nếu bạn đã tìm thấy đam mê của mình như Sơn, đó là một điều may mắn hơn bao giờ hết. Nhưng nếu đam mê ấy có yêu cầu bạn phải vượt qua một vài thử thách, cũng đừng chùn bước mà hãy theo đuổi nó đến cùng. Chỉ cần bạn luôn sẵn sàng học hỏi và luôn làm mọi thứ bằng cả tình yêu thì chắc chắn có một ngày, bạn sẽ gặt được quả chín.
Sau một năm đi làm, ngày cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp Ngoại thương loại Giỏi cũng là lúc Sơn biết mình đã sẵn sàng cho con đường trở thành một Front-end Engineer — không do dự, không chùn bước, bởi giờ đây cậu đã có thể dành toàn bộ thời gian để làm điều mình thích.
Sơn của hiện tại và hành trình đến với Got It
Nếu theo dõi các bài viết về Recruitment của chúng mình, bạn sẽ biết rằng tỉ lệ ứng viên trúng tuyển Got It chỉ là 4%. Nhưng trường hợp của Sơn còn đặc biệt hơn cả, khi cậu là chàng trai duy nhất trong con số 4% ấy xuất thân từ một trường kinh tế.
Hồi còn tìm việc, thấy tên Got It hiện trên LinkedIn, Sơn thấy JD ở Got It oai lắm, nào là trụ sở ở Silicon Valley, nhân viên được cấp Macbook v.v.. Nhưng, đó lại không phải điều quan trọng khiến Sơn lựa chọn Got It sau này. Điều cậu quan tâm hơn cả là việc Got It đã chạy sản phẩm thật trên thị trường và có văn hoá engineer giống với những công ty công nghệ ở Mỹ mà cậu tìm hiểu.
Vậy bí kíp để trở thành một Got It-ian của Sơn là gì?
Hành trình để Sơn đặt chân vào ngôi nhà Got It hoàn toàn không phải chỉ đến từ may mắn khi cậu đã có một sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho những buổi phỏng vấn. Chàng trai chia sẻ, bí kíp “life hack” cho bất kỳ ai muốn ứng tuyển vào Got It chính là: Bộ câu hỏi thường gặp khi phỏng vấn tại Got It và series “Got It Recruitment”. Trước khi quyết định nộp CV vào Got It, cậu chia sẻ mình đã “thuộc làu” các bài blog của team.
Ngoài ra, Sơn cũng gợi ý các ứng viên nên đọc quyển “Cracking the coding interview: 189 programming questions and solutions” (Tác giả: Gayle Laakmann McDowel). Trong lần phỏng vấn của mình, Sơn đã tự tin trả lời nhiều câu hỏi về algorithm nhờ những nội dung đọc được trong quyển sách đó. Cuối cùng, nhờ những nỗ lực của mình, Sơn chính thức trở thành một chiến binh của team Engineer, điều trước đây chưa sinh viên trái ngành nào làm được tại Got It.
> Tìm hiểu thêm 8 cuốn sách nhất định phải đọc về lập trình tại đây