Albert Einstein đã từng nói: “Nếu tôi không thể hình dung, tôi sẽ không thể hiểu”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 65% dân số là người học bằng thị giác. Điều đó có nghĩa là hầu hết mọi người cần nhìn thấy hình ảnh để hiểu vấn đề. Vì thế trực quan dữ liệu chính là xu hướng đầy hứa hẹn trong tương lai. Bạn có thể dùng trực quan, mô hình, bản đồ, đồ thị,... để kể câu chuyện dữ liệu, dự báo doanh thu, đánh giá hiệu quả chiến dịch quảng cáo và hơn thế nữa. Đây là 5 cách giúp bạn đạt được thành công khi trực quan dữ liệu.
1. Sử dụng các công cụ trực quan hóa dữ liệu
Công cụ trực quan hóa dữ liệu là những phần mềm hoặc ứng dụng được thiết kế để hỗ trợ hoạt động trực quan dữ liệu. Các công cụ này cung cấp nhiều tính năng nhằm đáp ứng từng mục đích và đối tượng sử dụng khác nhau. Một số công cụ phân tích và trực quan hóa dữ liệu phổ biến hiện nay như Tableau, Power BI, Dundas BI hay Zoho Reports.
Điều đáng chú ý là các công cụ hiện nay được tối ưu để giúp những người dùng có ít kỹ năng kỹ thuật có thể sử dụng và khai thác thông tin từ dữ liệu qua các trực quan. Vì thế, bạn nên bắt đầu tìm hiểu về cách sử dụng một công cụ trực quan dữ liệu ngay từ hôm nay.
2. Áp dụng các nguyên tắc thiết kế mạnh mẽ
Công việc trực quan dữ liệu cũng có những nguyên tắc riêng mà bạn cần tuân thủ. Trong đó, các nguyên tắc phổ biến phải kể đến như bảng màu, kiểu chữ, bố cục. Đây là những yếu tố tác động trực tiếp đến khả năng đọc và hiểu dữ liệu của người xem. Ngoài ra, dựa trên đối tượng người xem mà bạn có thể phải chú thích hoặc có những chú giải cụ thể cho các biểu đồ của mình. Điều quan trọng là phải đảm bảo mọi thông tin dễ đọc, dễ hiểu, không gây nhầm lẫn.
3. Lựa chọn các định dạng trực quan phù hợp
Tùy theo mục đích mà bạn nên cân nhắc chọn loại trực quan phù hợp. Mọi loại trực quan sẽ tương ứng với loại dữ liệu được trình bày. Sự phù hợp giữa dữ liệu và biểu diễn trực quan sẽ giúp tăng cường tính rõ ràng và hiệu quả của trực quan. Ví dụ như biểu đồ thanh thường dùng để so sánh, biểu đồ đường để thể hiện xu hướng theo thời gian, biểu đồ hình tròn để thể hiện tỷ lệ và bản đồ để thể hiện bối cảnh địa lý. Bên cạnh đó, một số loại biểu đồ nâng cao hoặc kết hợp sẽ rất hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định.
4. Kể chuyện thông qua trực quan hóa dữ liệu
Bạn cần ghi nhớ mục tiêu của việc trực quan hóa dữ liệu chính là để kết nối cảm xúc với khán giả bằng cách làm cho dữ liệu có ý nghĩa và đáng nhớ. Bằng cách xác định thông điệp cốt lõi trong dữ liệu, sử dụng luồng logic và các yếu tố trực quan như mã màu để làm nổi bật các tính năng chính, bạn sẽ có một câu chuyện hấp dẫn. Điều đó sẽ đưa người xem đi khám phá những hiểu biết sâu sắc mà họ không thể có được qua các con số khô khan.
5. Thúc đẩy sự hợp tác và chia sẻ
Bên cạnh mục tiêu chính là truyền đạt thông tin qua dữ liệu thì trực quan còn giúp tăng cường sự hợp tác và chia sẻ. Văn hóa phân tích sẽ được lan truyền rộng rãi giữa các nhóm và cá nhân trong nhóm. Điều này rất quan trọng trong bối cảnh dữ liệu lên ngôi như hiện nay. Để trực quan hóa dữ liệu được ứng dụng nhiều hơn, bạn hãy chủ động thúc đẩy sự hợp tác, kết nối giữa các thành viên và đội nhóm
Mong rằng với những mẹo được gợi ý trong bài, trực quan dữ liệu sẽ không còn là vấn đề với bạn. Đừng quên đón xem các bài viết mới nhất sẽ được cập nhật thường xuyên tại BAC's Blog.