VII. Làm thế nào để ngăn chặn Authentication vulnerability - Lỗ hổng xác thực?
1. Xác thực: lớp bảo vệ người dùng - hệ thống đầu tiên
Lỗ hổng xác thực thường là một trong những mục tiêu tấn công đầu tiên của các hacker, bởi có thể coi đây là lớp bảo về người dùng đầu tiên. Khi một hệ thống có cơ chế xác thực lỏng lẻo, điều này thường dễ dàng bị các hacker lợi dụng và chiếm đoạt tài khoản người dùng. Khi hacker có được danh tính xác thực của bạn (từ nhiều cách khác nhau sẽ được bàn luận thêm ở mục sau) thì hầu hết các thông tin bạn lưu trên trang web đó đều bị lộ, đồng thời họ có thể sử dụng các tính năng của trang web với danh tính của bạn, mang lại hậu quả khó lường cho người dùng nói riêng và hệ thống nói chung.
Ở các phần trước, chúng ta đã cùng nhau phân tích và khai thác các lỗ hổng xác thực thông qua các phòng thí nghiệm. Vấn đề xác thực với những tính năng đăng nhập, đăng ký, quên mật khẩu, đặt lại mật khẩu, ... đã có rất nhiều hướng khai thác. Tôi tin rằng vẫn còn nhiều cách tấn công khác ngoài những ví dụ tôi đã trình bày trong bài viết.
Ngoài sơ suất trong quá trình xây dựng ứng dụng từ nhà cung cấp dịch vụ, những hành động bất cẩn của người dùng cũng có thể là cơ hội xâm nhập của kẻ xấu. Vậy nên chúng ta cần có những biện pháp ngăn ngừa, phòng chống dạng lỗ hổng này.
2. Về phía nhà cung cấp dịch vụ
Kỹ thuật đơn giản và khá hiệu quả khi khai thác các lỗ hổng xác thực chính là kỹ thuật vét cạn (Brute force).
2.1. Người dùng không cần biết quá nhiều thông tin không cần thiết
Một trong những việc cần làm đầu tiên là không được phép tiết lộ quá nhiều thông tin cho người dùng. Ví dụ: Khi người dùng nhập sai tên đăng nhập hoặc mật khẩu, thông báo đưa ra tới người dùng chỉ nên có dạng "Tên đăng nhập hoặc mật khẩu không hợp lệ" - chỉ đủ cho người dùng biết họ đang nhập sai, không chỉ ra chính xác sai tên đăng nhập hoặc mật khẩu.
2.2. Yêu cầu mật khẩu mạnh
Yêu cầu người dùng đặt các mật khẩu mạnh. Ví dụ: mật khẩu cần có tối thiểu 8 ký tự, trong đó cần chứa cả ký tự viết thường, viết hoa, chữ số và ký tự đặc biệt.
2.2. Hạn chế các nỗ lực đăng nhập thất bại
Khi phát hiện một người dùng thực hiện đăng nhập sai vượt quá số lần quy định, đó rất có thể là một cuộc tấn công Brute force. Hệ thống có thể thực hiện vô hiệu hóa tài khoản đó trong một thời gian nhất định. Và cứ mỗi lần người dùng tiếp tục đăng nhập thất bại, thời gian vô hiệu hóa đó sẽ càng tăng lên. Điều này thực sự mang lại hiệu quả lớn trong việc phòng chống tấn công vét cạn.
2.3. Xác thực nhiều bước
Yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong xác thực 2FA, tốt nhất là mỗi lần đăng nhập đều yêu cầu người dùng sử dụng xác thực hai bước.
2.4. Sử dụng mã Capcha
Mã Capcha có thể xuất hiện dưới dạng một hình ảnh, trên đó có văn bản gồm một chuỗi ký tự chữ cái hoặc số. Người dùng cần nhập đúng mã đó mới có thể thực hiện đăng nhập. Điều này có thể mang đến phiền toái cho người dùng. Nên sử dụng mã Capcha sau khi người dùng đăng nhập sai vượt quá số lần quy định.
2.5. Các biện pháp khác
Ngoài ra còn có một số biện pháp phòng ngừa khác như: Giới hạn đăng nhập vào một địa chỉ hoặc một miền địa chỉ nhất định, sử dụng URL đăng nhập duy nhất, theo dõi log đăng nhập của người dùng, ...
3. Về phía người dùng
Người dùng hiện nay chưa ý thức tốt về việc bảo mật thông tin của họ. Người dùng có trách nhiệm trong việc bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân của họ, điều này cũng giúp bảo vệ sự an toàn của nhà cung cấp khỏi các kẻ tấn công.
- Không nên sử dụng thông tin cá nhân đặt làm mật khẩu.
- Không click vào các đường link lạ do người khác gửi.
- Không điền thông tin vào các trang có dấu hiệu lừa đảo.