- vừa được xem lúc

Giao tiếp trong Kubernetes Cluster với Service

0 0 14

Người đăng: Mai Trung Đức

Theo Viblo Asia

Helloooooooooooooooooooooooo những người anh em thiện lành 👋👋

Cuộc sống của anh em có ổn không? có giống anh em hi vọng, đồng nghiệp có dễ thương, sếp có bắt chạy deadline hay không???? 🤗 Mình thì vẫn nhớ Việt Nam quá 🥲

...

Mà thôi, nhớ nhung đành phải để sau, hôm nay ta tiếp tục với series học Kubernetes nhé, ở bài trước ta đã tìm hiểu về Pod trên K8S, không biết các bạn đã thấm chưa?

Đoạn đầu lúc mình mới học K8S cũng có rất nhiều chỗ mình thấy mơ hồ và trừu tượng quá, cũng vật vã một thời gian đó, nhưng dần dần thì thực hành nhiều rồi cũng quen.

Ở bài này ta sẽ cùng tìm hiểu về Service trên K8S nhé. Anh em theo mình lên tàu nào.....🚀🛩️🛩️

Lấy K8S Session

Trước khi bắt đầu các bạn đảm giúp mình là đã lấy được K8S Session để truy cập vào cluster của mình đẻ lát nữa ta thực hành nhé. Xem lại bài cũ giúp mình nhé

Mở đầu

Như ở bài trước - tìm hiểu về Pod mình có trình bày, mỗi khi Pod được tạo ra thì nó sẽ được gán 1 ClusterIP, là duy nhất (global unique) trên toàn bộ Cluster. Ta có thể dùng ClusterIP đó và gọi vào port.

Vậy nhưng có 1 vài điểm ta cần lưu ý:

  • ClusterIP kia là động (dynamic) được gán bởi Kubernetes Control Plan
  • Số lượng Pod cho app của chúng ta tại mỗi thời điểm có thể khác nhau: ban đầu có 1 pod, sau traffic cao thì tự autoscale lên 10 pods. Các pod có thể bị khởi tạo và destroy đi một cách tự động.

Vậy câu hỏi đặt ra là: giả sử ta có Frontend (1 pod), cần gọi API vào Backend (10 pods), vậy thì Frontend có cần phải lưu 10 Cluster IP của Backend??? Hay khi Backend autoscale lên 20 pods thì Frontend có cần tự "tìm" rồi thêm vào 10 Cluster IP nữa

K8S Service

Mở đầu

Để giải quyết vấn đề trên thì K8S cung cấp cho chúng ta Service, nơi ta có thể định nghĩa logics cách truy cập vào 1 tập hợp 1 hoặc nhiều pod để các app khác có thể gọi vào. Cái "tập hợp các Pod" kia thường được đinh nghĩa bởi selector - lát nữa ta sẽ xem selector là gì nhé

Các bạn tưởng tượng Service nó như kiểu "tổ trưởng dân phố" vậy, người nắm giữ thông tin các cư dân trong phố của mình, nếu ai muốn hỏi gì thì có thể hỏi trực tiếp ông ý, thay vì tự đi tìm 😃

Trước khi định nghĩa service thì ta cần deploy 1 Pod nào đó trước để test nhé, các bạn tạo cho mình 1 file manifest mới với nội dung như sau, giả sử ta đặt tên là pod.yml nhé:

apiVersion: v1
kind: Pod
metadata: name: helloworld
spec: containers: - name: helloworld image: tutum/hello-world ports: - containerPort: 80 resources: requests: memory: "64Mi" cpu: "250m" limits: memory: "128Mi" cpu: "500m"

Nom đã quen dần chưa các bạn 😉, bên trên ta có 1 pod tên helloworld có 1 container trong đó cũng tên là helloworld chạy image như trên, expose port 80, port này lát nữa Service của ta sẽ dùng nhé

chú ý phần resource bên trên là để định nghĩa cpu/RAM tối thiểu cần và tối đa được sử dụng cho pod của chúng ta nhé, K8S khuyên chúng ta nên luôn có cái đó, và bởi vì các bạn share cluster của mình nên mình có đặt ResourceQuota và nó bắt buộc ta phải có cái đó, các bạn cứ tạm bỏ qua nó sau này ta sẽ tìm hiểu nhé

Tiếp theo ta sẽ apply để deploy Pod này nhé:

kubectl apply -f pod.yml --kubeconfig=kubernetes-config

chú ý nếu các bạn không muốn thêm --kubeconfig=kubernetes-config cho mọi command thì các bạn có thể thêm nó vào biến môi trường nhé. Mình đã nói ở bài trước rồi nhé.

Sau khi apply xong thì ta get xem Pod thế nào rồi nhé:

kubectl get po --kubeconfig=kubernetes-config ------ NAME READY STATUS RESTARTS AGE
helloworld 1/1 Running 0 25s

ta có thể viết "po", "pod", "pods" đều được nhé, mình thích cách ngắn nhất

Pod này nhẹ nên pull và start khá nhanh, như các bạn thấy ở trên thì Pod của ta đã Running, ta thử chui vào Pod và đảm bảo là API trong đó đang chạy ngon rồi nhé:

kubectl exec -it helloworld --kubeconfig=kubernetes-config -- sh ---- Sau đó ta cài curl
apk update && apk add curl curl localhost:80

Thấy in ra như sau là oke rồi đó các bạn:

Giờ ta lại chui ra ngoài (bấm CTRL + D) và thử describe pod của chúng ta xem chút thông tin chi tiết hơn về Pod nhé:

kubectl describe po helloworld --kubeconfig=kubernetes-config

Ta thấy in ra như sau:

Ta thấy rằng Pod của ta có IP (ClusterIP) là 10.244.0.159

Tiếp theo ta sẽ chạy thêm 1 pod nginx nữa để test API call vào pod Hello World nhé. Ta tạo file nginx-pod.yml

apiVersion: v1
kind: Pod
metadata: name: nginx
spec: containers: - name: nginx image: nginx:1.19 ports: - containerPort: 80 resources: requests: memory: "64Mi" cpu: "250m" limits: memory: "128Mi" cpu: "500m"

Sau đó ta apply để tạo pod này:

kubectl apply -f nginx-pod.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Tiếp theo ta chui vào Pod nginx mới tạo này và thử gọi sang bên Hello World xem nhé:

kubectl exec -it --kubeconfig=kubernetes-config nginx -- sh

Sau đó nếu ta thử curl vào bên pod Helloworld dùng tên pod thì sẽ gặp lỗi:

curl helloworld:80 ---
curl: (6) Could not resolve host: helloworld

Bởi vì từ bên nginx thì nó không biết được cái host nào tên là helloworld cả, mà thay vào đó ta phải dùng ClusterIP của pod helloworld

curl 10.244.0.239:80

Và ta sẽ thấy kết quả như sau:

chú ý rằng các bạn phải lấy cluster IP của Pod Helloworld từ command describe nhé, đừng lấy y hệt như của mình vì của các bạn nó sẽ khác đó 😉

Như các bạn thấy, từ bên Nginx ta đã gọi thành công sang HelloWorld dùng ClusterIP. Thế nhưng nếu bây giờ mà ta delete pod HelloWorld đi và chạy lại, thì nó lại có 1 clusterIP mới. Vậy chẳng lẽ nếu từ bên Nginx muốn gọi được Hello World thì ta cứ phải describe HelloWorld trước để lấy ClusterIP của nó hay sao????

Oke vậy giờ phải dùng Service đúng không, nãy giờ cứ nhá hàng mãi 😒 ....

Đúng rồi đó các bạn, để giải quyết vấn đề này ta sẽ cùng định nghĩa Service cho app Hello world của chúng ta nhé

Ví dụ

Nhưng trước khi tạo Service các bạn update lại file pod.yml của helloworld để thêm cho nó labels như sau nhé:

apiVersion: v1
kind: Pod
metadata: name: helloworld labels: app.kubernetes.io/name: helloworld # ----->>> Ở đây
spec: containers: - name: helloworld image: tutum/hello-world ports: - containerPort: 80 resources: requests: memory: "64Mi" cpu: "250m" limits: memory: "128Mi" cpu: "500m"

Sau đó ta delete pod HelloWorld hiện tại đi:

kubectl delete po helloworld --kubeconfig=kubernetes-config

apply để tạo lại pod mới:

kubectl apply -f pod.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Vậy là giờ pod của chúng ta đã có labels, các bạn có thể describe nó sẽ thấy nhé.

Tiếp theo ta bắt đầu tạo file service, các bạn đặt tên là helloworld-svc.yml nhé:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: ClusterIP ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: 80 selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

Ở trên các bạn thấy ta có file manifest cấu hình Service cho HelloWorld, có 1 số điểm cần lưu ý:

  • type=ClusterIP: mở cho service này chỉ được truy cập trong cluster (type có 1 vài giá trị khác ta sẽ nói ở phần dưới nhé)
  • protocol=TCP: chỉ cho phép traffic là TCP (các dạng request http thông thường mà ta vẫn hay gọi), hoặc cũng có thể có UDP hay ICMP
  • port=3000: định nghĩa cho Service này 1 cái port, thì lát nữa ở nơi khác gọi vào service thì sẽ là Service_name:3000
  • targetPort=80: đây là cái containerPort của Helloworld mà service này sẽ target vào
  • selector: áp dụng service này cho 1 tập hợp pod được chỉ định có các labels như ta định nghĩa

Nom âu kây phết rồi đó, ta apply service này nhé:

kubectl apply -f helloworld-svc.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Ta cùng nhau get tất cả các service trong namespace hiện tại nhé:

kubectl get services --kubeconfig=kubernetes-config ----
Thấy in ra như sau là được:
NAME TYPE CLUSTER-IP EXTERNAL-IP PORT(S) AGE
helloworld ClusterIP 10.245.243.233 <none> 3000/TCP 22s

Như ở output các bạn thấy service của chúng ta có 1 cluster IP, tức là ngoài được gọi bằng tên service thì ta cũng có thể dùng clusterIP, nhưng hầu như ta đều dùng name vì dễ dùng hơn nhiều.

Service của ta không có Extenal-IP -> không được truy cập từ bên ngoài Cluster. Và cuối cùng là port=3000 của Service.

Giờ ta "chui" lại Pod Nginx và thực hiện gọi API lại vào bên HelloWorld bằng tên service nhé:

kubectl exec -it --kubeconfig=kubernetes-config nginx -- sh

Tiếp theo ta gọi vào Pod HelloWorld thông qua Service của nó:

curl helloworld:3000

Ta sẽ thấy như sau:

Yayyyyyyyyy vậy là ta đã thành công tạo 1 Service cho Pod HelloWorld rồi............ (thành công lớn lao ghê 🙃 )

Từ giờ ở bất kì đâu trong Cluster ta gọi theo đúng format như trên <tên_service>:<port_của_svc> là được, dễ nhìn hơn rất nhiều, Pod của ta tha hồ restart, scale thoải mái, ta cứ dùng tên service thì vẫn gọi được bình thường. Và đây cũng là cách ta thường làm thật ở production - luôn có service "đứng trước" pod của chúng ta, giao tiếp với những nơi khác đều qua Service.

Vọc vạch

Bên trên mới chỉ là cấu hình cơ bản (nhưng phổ biến) của 1 Service, ngoài ra service còn cho ta rất nhiều thứ khác, ta cùng xem nhé 😉

Tạo nhiều port cho Service

Ở trên thì Service của chúng ta chỉ có 1 port là 3000, ta có thể thoải mái thêm vào nhiều port cho service cũng được nhé:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: ClusterIP ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: 80 #========== - name: http2 protocol: TCP port: 3001 targetPort: 80 selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

Ở trên các bạn thấy mình thêm vào 1 port nữa với tên là http2, port=3001 và vẫn target vào port 80 của Pod. Giờ ta chỉ cần apply lại service này 1 lần nữa, sau đó "chui" lại vào Pod nginx thì ta có thể gọi được sang helloworld bằng cổng 3001:

curl helloworld:3001

Tương tự thì các bạn cũng có thể tạo nhiều port cho Service để target được vào nhiều port của container trong Pod Hello World nhé (targetPod)

Cách hay hơn cho targetPort

Như các bạn thấy thì hiện tại, người viết cấu hình manifest cho Service cần biết được là "à container HelloWorld có containerPort=80", và từ đó cho Service target vào port 80.

Và cứ mỗi khi containerPort thay đổi thì targetPort bên Service cũng phải thay đổi theo.

Để cải thiện điều này thì ta sẽ định nghĩa cho cái containerPort bên Pod Helloworld, sau đó bên Service chỉ đơn giản là dùng cái tên đó là được.

Ta update lại file pod.yml như sau nhé:

apiVersion: v1
kind: Pod
metadata: name: helloworld labels: app.kubernetes.io/name: helloworld
spec: containers: - name: helloworld image: tutum/hello-world ports: - containerPort: 80 name: myport # -----> ở đây resources: requests: memory: "64Mi" cpu: "250m" limits: memory: "128Mi" cpu: "500m"

Như các bạn thấy ở trên, thì ngoài containerPort ta cũng cho nó 1 cái tên "name=myport"

Sau đó ta xoá Pod cũ đi và deploy Pod mới nhé:

kubectl delete po helloworld --kubeconfig=kubernetes-config
kubectl apply -f pod.yml --kubeconfig=kubernetes-config

lý do ta phải xoá pod cũ đi là bởi vì K8S không chỉ cho phép ta update 1 số thuộc tính như "image" thôi

Oke tiếp theo ta update lại file service nhé:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: ClusterIP ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: myport # ----> ở đây selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

apply lại service:

kubectl apply -f helloworld-svc.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Và giờ các bạn lại chui vào nginx và thử curl ta thấy kết quả tương tự 😉 (phần này các bạn tự làm nhé)

Các Type khác của Service

Như trong file manifest file của Service ta có trường "type" trong "spec":

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: ClusterIP

Type này để định nghĩa kiểu của Service này sẽ là gì, các type khác nhau sẽ cho ta kết quả khác nhau. Mặc định không nói gì thì type=ClusterIP.

Ta cùng xem các type khác của service có gì nữa nhé 🚀🚀

NodePort

Khi ta để type=NodePort thì service của chúng ta sẽ được "expose" mở ra cho truy cập trên mỗi node của Cluster cùng với 1 cổng cố định (giá trị được K8S tự gán ta chỉ việc sử dụng).

các bạn mở lại file manifest của Service và đổi type thành NodePort nhé:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: NodePort # ---- > ở đây ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: myport selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

Sau đó ta apply lại service:

kubectl apply -f helloworld-svc.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Sau đó ta thử get lại service đang có:

kubectl get svc --kubeconfig=kubernetes-config

các bạn có thể viết là "services", "service", hay "svc" đều được nhé, mình luôn dùng ngắn 😃

Sau đó ta thấy in ra như sau:

NAME TYPE CLUSTER-IP EXTERNAL-IP PORT(S) AGE
helloworld NodePort 10.245.30.54 <none> 3000:32203/TCP 72m

Chú ý rằng ở cột PORTS thì có 1 chút thay đổi, như ta thấy nó là 3000:32203/TCP, tức là ở đây K8S đã expose service của chúng ta trên tất cả các node tại địa chỉ <NODE_IP>:32203, và có thể truy cập được từ bên ngoài cluster (Internet).

Giờ ta test thử truy cập từ bên ngoài cluster xem nhé 😉

......

Mà ủa, thế rồi truy cập như nào, cái ip của node kia lấy đâu ra??????🙄🤔

Thì để lấy ip của các nodes trên cluster các bạn chạy command sau:

kubectl get nodes -o wide --kubeconfig=kubernetes-config

Xong tự nhiên ta thấy báo:

Error from server (Forbidden): nodes is forbidden: User "learnk8s-335556" cannot list resource "nodes" in API group "" at the cluster scope

Ý bảo là user của các bạn không có quyền được xem thông tin về nodes trên cluster, cái này mình đã limit user của các bạn chỉ thao tác được trên namespace lúc mà tạo file kubernetes-config và gửi vào hòm mail của các bạn rồi.

Tính đùa các bạn tí vậy 🤣🤣🤣🤣 sau này các bạn có cluster riêng làm bố đời thì thích xem gì thì xem nhé 😄

Đây mình đã get nodes cho các bạn bằng user admin của mình và ta được như sau:

Như các bạn thấy ở trên ta có EXTERNAL-IP cho từng node, nó là static và không đổi. Giờ các bạn mở trình duyệt, chọn IP của 1 node bất kì và truy cập vào địa chỉ NODE_IP:32203 (port 32203 là dynamic và được gen ngẫu nhiên khi thực hành nhớ thay lại cho đúng trong trường hợp của các bạn nhé) và ta sẽ thấy kết quả như sau:

Yeahhhh, vậy là ta đã "expose" - mở cho app của chúng ta truy cập từ bên ngoài cluster được rồi đó, gửi link cho đứa bạn và khoe thôi nào💪💪💪💪💪

LoadBalancer

Khi ta để type là Load Balancer thì K8S sẽ expose Service của chúng ta dùng Load Balancer cung cấp bởi cloud provider - nơi mà ta đang dùng cloud để chạy K8S Cluster (AWS, Google, Azure, Digital ocean,....), và ta cũng được 1 public IP , IP đó là IP của load balancer.

Và chú ý là khi ta set type=LoadBalancer thì K8S cũng sẽ cấp cho Service của chúng ta ClusterIP và expose ra NodePort.

Để demo rõ nhất phần này ta sẽ cùng đổi lại type của Service về ClusterIP trước đã nhé:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: ClusterIP # ---- > ở đây ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: myport selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

Sau đó ta apply:

kubectl apply -f helloworld-svc.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Rồi get để kiểm tra lại thay đổi ta vừa cập nhât:

kubectl get svc --kubeconfig=kubernetes-config ----
Ta sẽ thấy như sau: NAME TYPE CLUSTER-IP EXTERNAL-IP PORT(S) AGE
helloworld ClusterIP 10.245.243.233 <none> 3000/TCP 22s

Đảm bảo là type=ClusterIP và không còn NodePort nhé các bạn.

Âu cây tiếp theo ta sẽ đổi tiếp type của Service thành LoadBalancer:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld
spec: type: LoadBalancer # ---- > ở đây ports: - name: http protocol: TCP port: 3000 targetPort: myport selector: app.kubernetes.io/name: helloworld

Và ta lại tiếp tục apply:

kubectl apply -f helloworld-svc.yml --kubeconfig=kubernetes-config

Sau đó ta thử get lại các service trong namespace:

kubectl get svc --kubeconfig=kubernetes-config

Ta sẽ thấy in ra như sau:

NAME TYPE CLUSTER-IP EXTERNAL-IP PORT(S) AGE
helloworld LoadBalancer 10.245.30.54 <pending> 3000:30623/TCP 102m

Như các bạn thấy, Service của ta đã có ClusterIP mới, EXTERNAL-IP thì là PENDING tức là Load balancer đang được tạo, nếu sau này các bạn có cluster riêng thì có thể lên trang quản trị cluster sẽ thấy thông báo đang tạo Load balancer (LB). Và ta thấy Service cũng được gán cho 1 cái NodePort=30623

Ta chờ tầm vài phút để bên Cloud tạo xong LB, sau đó thử get lại lần nữa sẽ thấy có EXTERNAL-IP (IP của LB):

kubectl get svc --kubeconfig=kubernetes-config ------ NAME TYPE CLUSTER-IP EXTERNAL-IP PORT(S) AGE
helloworld LoadBalancer 10.245.30.54 139.59.219.145 3000:30623/TCP 110m

Và giờ ta có thể truy cập app của chúng ta trực tiếp thông qua LB rồi, các bạn mở trình duyệt và truy cập ở địa chỉ <IP_của_LB>:3000 ta sẽ thấy app chạy bình thường:

LB sẽ tự động điều phối traffic vào từng node của chúng ta, đảm bảo cân bằng tải giữa các node

Kết luận: qua đây các bạn thấy rằng, việc dùng LB khá là "friendly" hơn, ta chỉ việc dùng 1 IP và port thì cũng cố định là port của Service, là có thể gọi được vào app rồi. Nếu dùng nodeport thì mỗi lần gọi ta lại phải chỉ định chính xác Node IP, mà cái đó khi cluster scale lên nhiều node thì ta lại phải lưu thêm nhiều Node IP hay sao? Do vậy theo mình thấy thì cách phổ biến hơn là dùng LoadBalancer thay vì NodePort

Nhưng dùng LB cũng sẽ bị tính 1 chút phí đó các bạn, nhưng không đáng kể đâu 😉

cũng đôi khi có 1 số trường hợp cho đơn giản thì mình vẫn dùng NodePort nhưng rất ít

ExternalName

Nếu ta set type=ExternalName thì theo mình xin được lấy luôn câu từ trên trang chủ K8S:

Maps the Service to the contents of the externalName field (e.g. foo.bar.example.com), by returning a CNAME record with its value. No proxying of any kind is set up.

Thực tế là mình chưa bao giờ dùng type này và cũng thấy rất ít người, ít nơi dùng nó

Endpoint

Như ở trên các bạn thấy trong file manifest của Service ta phải có selector thì service nó mới biết là nó cần "quan tâm" tới Pod nào.

Nếu ta không có selector thì ta sẽ cần dùng tới Endpoint, khi đó ta có thể dùng Service cho 1 backend nào đó nằm ngoài cluster cũng được. Phần này mình cũng rất rất ít khi đụng tới ,vì hầu như thực tế thì ta đều "select" vào Pod trong cluster cả, nếu backend/app ở ngoài thì chúng nó cũng có IP/domain rồi không cần đụng tới Endpoint làm chi cho cách rách

Câu hỏi liên quan

Type LoadBalancer nom ổn phết, thôi mọi service cứ phang luôn cái đó?

Đúng là như các bạn thấy, để ServiceType=LoadBalancer thì app của chúng ta được access được từ cả trong lẫn ngoài cluster, ta không cần quan tâm tới số lượng pod vì LB sẽ tự điều phối traffic vào đó.

Nhưng thực tế mình thấy nếu không cần thiết phải dùng tới type là LB thì ta không cần thiết phải dùng nó, tốn thêm phí nữa vì LB là của cloud provider, và với cả làm như thế thì service của chúng ta sẽ được "expose" ra internet ai cũng vào được.

Lời khuyên của mình (cá nhân mình thấy thôi nhé): luôn giữ app bảo mật, chỉ cần expose cái nào thật sự cần thiết. Ví dụ ta có 1 frontend, 10 backend, user chỉ sử dụng thông qua UI của frontend, thì không có lý do gì ta lại đi expose ra 10 backend kia cho Internet (thông qua NodePort hay LB), ta chỉ cần expose ra frontend, còn 10 backend kia ta để ClusterIP hết, như thế sẽ bảo mật hơn, cùng với đó thì theo lý thuyết request gọi từ frontend đến backend cũng nhanh hơn, vì nó gọi trực tiếp bên trong cluster, nếu gọi qua LB thì nó phải đi qua 1 lớp LB của cloud provider.

Setup HTTPS như thế nào nhỉ??

Cái này ta sẽ xem ở bài về Ingress nhé

Gọi sang service ở namespace khác như thế nào nhỉ?

Nếu các bạn để ý, hiện tại ta đang làm việc trên 1 namespace, pod, service mình tạo ra trong bài này đểu nằm trên cùng 1 namespace, khi ta "chui" vào trong nginx và gọi vào service của Helloworld thì đơn giản là ta nhập luôn tên service:

curl helloworld:3000

Ở trên K8S sẽ tìm tới service trong namespace hiện tại.

Trong trường hợp ta muốn gọi tới 1 service ở namespace khác, ví dụ cũng tên là helloworld thì ta làm như sau:

curl helloworld.namespace-abc.svc.cluster.local

namespace-abc là tên namespace ta muốn gọi tới

Tạo service ở trong 1 namespace thế nào nhỉ?

Mọi resource khi ta tạo, ở file manifest, nếu ta không nói namespace nào thì K8S sẽ tạo ở namespace ở "context" hiện tại, context của các bạn mình đã tạo sẵn cho các bạn rồi, các bạn có namespace của riêng các bạn, không cần nói gì tự K8S sẽ tạo resource trên namespace đó.

Còn sau này khi các bạn có cluster riêng thì các bạn thoải mái tạo resource trên các namespace khác tuỳ ý:

apiVersion: v1
kind: Service
metadata: name: helloworld namespace: abc # -----> ở đây

Tí quên

Nếu Pod của các bạn cần Service, và được tạo sau khi tạo Service thì mặc định khi container của Pod khởi động lên thì K8S sẽ inject (bơm tiêm - hay cụ thể là khởi tạo) 1 số biến môi trường ta có thể sử dụng:

HELLOWORLD_SERVICE_HOST=10.0.0.11
HELLOWORLD_SERVICE_PORT=3000
HELLOWORLD_PORT=tcp://10.0.0.11:3000
HELLOWORLD_PORT_3000_TCP=tcp://10.0.0.11:3000
HELLOWORLD_PORT_3000_TCP_PROTO=tcp
HELLOWORLD_PORT_3000_TCP_PORT=3000
HELLOWORLD_PORT_3000_TCP_ADDR=10.0.0.11

10.0.0.11 bên trên là ClusterIP của Service

Phần này các bạn tự kiểm tra nhé (exec vào container và thử echo là thấy 😉

Kết bài

Phùuuuu.... bài nào cũng dài thế nhỉ??? 😂😂 mình cố viết ngắn gọn rồi mà nó cứ dây ra. Hi vọng là các bạn có thể thấm được phần nào.

Qua bài này mong là các bạn đã hiểu về Service trên K8S, cách sử dụng và khi nào nên dùng Type nào. Dùng Service là các ta thường dùng ở production chứ mình chưa thấy ai dùng ClusterIP để truy cập trực tiếp vào Pod bao giờ (có chăng nó là khi debug) 😃.

Hẹn gặp lại các bạn vào những bài sau. Chúc chúng ta cuối tuần vui vẻ.

Mạnh mẽ, quyết thắng 🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳🇻🇳

Bình luận

Bài viết tương tự

- vừa được xem lúc

Phần 1: Giới thiệu về Kubernetes

Kubernetes là gì. Trang chủ: https://kubernetes.io/. Ai cần Kubernetes.

0 0 80

- vừa được xem lúc

Thực hành K8S trên Google Cloud

Kubernetes (K8S) trở nên quá phổ biến ở thời điểm hiện tại, ai cũng nói về nó. Trong bài hôm nay mình sẽ không đi quá nhiều vào các định nghĩa, mà đi thẳng vào thực tế để mọi người dễ hình dung.

0 0 19

- vừa được xem lúc

Kubernetes best practices - Liveness và Readiness Health checks

Mở đầu. Kubernetes cung cấp cho bạn một framework để chạy các hệ phân tán một cách mạnh mẽ.

0 0 35

- vừa được xem lúc

Kubernetes - deployment.yaml explained

Trong bài trước, mình có giới thiệu chạy các câu lệnh K8S bằng Command Line. Để tạo 1 deloyment đơn giản chỉ cần chạy lệnh.

0 0 76

- vừa được xem lúc

Tìm hiểu cơ bản về Kubernetes - K8s (Part 2): Minikube

Lời mở đầu. .

0 0 35

- vừa được xem lúc

ETCD - Bộ não của Kubernetes và cách cài đặt cụm ETCD Cluster (High Availability)

Hello anh em, sau vài ngày nghiên cứu đọc lại liệu cũng như cài cắm thủ công đủ thể loại, với vô số lỗi fail thì mình cũng cài đặt thành công cụm etcd cluster một cách thủ công. Trước giờ chuyên tạo c

0 0 31