- vừa được xem lúc

Một số Tips trong quá trình phỏng vấn cho Freshers, Juniors

0 0 18

Người đăng: Techomies

Theo Viblo Asia

Gần đây gặp nhiều post trên fb kêu than vấn đề tạch phỏng vấn quá, nên mình muốn chia sẻ một chút kinh nghiệm đi phỏng vấn tới các bạn mới ra trường. Trên mạng thì cũng có rất nhiều bài viết về vấn đề này rồi, mình cũng không chắc là có trùng lặp không nhưng thôi để các bạn tự gom nhặt 🤗

Không còn là nói vui nữa, chắc hẳn anh em học Công nghệ thông tin mới ra trường hay chuẩn bị ra trường cũng đã cảm nhận được sự bão hòa nhân lực level fresher, junior rồi đúng không? Giờ một mét vuông 10 ông dev, còn đâu cái thời "ông anh 96 Bách Khoa" hay "Vua mọi nghề", cái thời mà chỉ cần "HTML/CSS/JS" là xin được việc 🥲. Có rất nhiều bạn khó khăn lắm mới được nhận CV, nhưng phỏng vấn lại không pass mặc dù đã có kiến thức JD yêu cầu. Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ một số Tips cho bạn khi phỏng vấn vị trí fresher, junior nhé, let's go!

Vượt vòng gửi xe với một chiếc CV lý tưởng

Dù bạn có là pro hay noob thì thứ đầu tiên nhà tuyển dụng đánh giá vẫn là chiếc CV của bạn, vậy nên việc tối ưu CV rất quan trọng, dưới đây là một số điều cần lưu ý khi viết CV ứng tuyển:

  • Tối ưu về mặt "UI": Hãy chọn cho mình một mẫu CV không quá màu mè, không quá đơn giản. Đối với khối ngành kỹ thuật, việc chọn một chiếc CV quá nhiều màu sắc, bố cục phức tạp sẽ không phải là một ý hay, thay vào đó, hãy sử dụng những mẫu chuyên nghiệp, tối giản và đảm bảo thể hiện được các thông tin cần thiết như thông tin cá nhân, mục tiêu nghề nghiệp, kĩ năng, kinh nghiệm,...
  • Tạo sự chuyên nghiệp ở phần thông tin cá nhân: Hãy sử dụng một email công việc tử tế, một số nhà tuyển dụng sẽ ấn tượng không tốt với các tên mail như "vjp", "pro", "koy",... Có thể nó có ý nghĩa với bạn nhưng lại gây mất thiện cảm trong công việc. Ngoài ra, nếu sử dụng hình ảnh cá nhân, hãy chọn ảnh tươi tắn, phong thái lịch sự và độ phân giải cao.
  • Tạo điểm nhấn ở mục tiêu nghề nghiệp: Khi nói về mục tiêu nghề nghiệp, đa phần chúng ta đều viết những thứ chung chung như "phát triển bản thân", "học hỏi kiến thức mới", v.v... Nhưng chúng ta quên một điều là công ty trả lương không phải để thực hiện ước mơ của chúng ta. Hãy viết cả những mục tiêu hướng đến lợi ích công ty lên trước sau đó liên hệ tới các mục tiêu của bản thân, đây chắc chắn sẽ là một điểm sáng cho chiếc CV của bạn so với số đông đó!
  • Liệt kê các kỹ năng (skills) một cách hợp lý: Mình suggest anh em nên gom nhóm các kỹ năng thành 3 loại là Kỹ năng nền tảng - các kiến thức cơ bản của CNTT mà LTV nào cũng nên nắm được (OOP, SQL, GIT, Networks,...), Kỹ năng chuyên môn chính - là các công nghệ chính mà vị trí bạn apply đang yêu cầu (ví dụ: Java Spring, MySQL, ReactJS, MongoDB, Docker...) và cuối cùng là kĩ năng mở rộng - là các công nghệ mà bạn sử dụng ít hơn hoặc không phải điểm mạnh nhưng vẫn muốn show ra (có thể nói đến như cloud platforms, WebSocket, Caching, v.v...) 🤣. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng xác định được nền tảng, kỹ năng trọng tâm và mở rộng của bạn để đưa ra câu hỏi phù hợp. Về phía bạn thì cũng tránh được việc hỏi sâu về các công nghệ bạn không chuyên.
  • Tập trung vào các kinh nghiệm có nhiều giá trị: đừng cố gắng liệt kê ra thật nhiều mục ở phần kinh nghiệm, hãy tập trung vào 2-3 projects và tóm gọn được bài toán giải quyết, những công nghệ sử dụng, vai trò của bạn là gì.
  • Trình bày thuật ngữ kỹ thuật chính xác: Tránh tuyệt đối việc sai ngữ nghĩa của các khái niệm và thuật ngữ kỹ thuật, không lạm dụng từ tiếng Anh không cần thiết, Simple makes perfect!

Vượt qua vòng phỏng vấn

Đây là phần mà không thể có một lời khuyên chính xác nào giúp bạn vượt qua 100%, bởi vì mỗi công ty sẽ có một quy trình, tiêu chí khác nhau cho việc tuyển dụng nhân sự. Chung quy lại bạn vẫn cần phải chuẩn bị thật kĩ kiến thức chuyên môn, lý thuyết về các công nghệ apply, tìm hiểu thông tin cũng như văn hóa của công ty. Bên cạnh kiến thức, một thứ khác cũng rất cần được để ý trong quá trình phỏng vấn là thái độ, việc phỏng vấn dù là khối ngành kỹ thuật hay kinh tế, luôn có một thứ dù bạn có ôn tập kĩ đến đâu cũng không thể kiểm soát được... đó chính là sự cảm tính. Cảm tính quyết định rất nhiều đến việc đưa ra quyết định của con người, kể cả bạn đã trả lời tốt các câu hỏi về mặt kỹ thuật nhưng bạn hoàn toàn vẫn có thể bị đánh trượt nếu như người phỏng vấn "không thích" thái độ của bạn, hoặc đơn giản là không cảm thấy thiện cảm với bạn (sự thật là vậy đó). Vậy nên, chúng ta cần phải chú trọng vào tất cả các yếu tố để có được lợi thế cạnh tranh với các ứng viên ngoài kia khi mà kĩ năng chuyên môn đã quá bão hòa như hiện nay.

Dưới đây là một số tips mình muốn chia sẻ với các bạn để cuộc phỏng vấn đạt được hiệu quả cao hơn:

  • Giới thiệu bản thân: Đây luôn là câu hỏi đầu tiên của người phỏng vấn dành cho bạn, nó vốn là một câu đơn giản nhưng bạn có thể làm cho nó đặc sắc hơn bằng cách hãy cố gắng giới thiệu một cách tự nhiên, dẫn dắt thành một câu chuyện chào hỏi thay vì cứng nhắc "em tên là ABC, sinh năm XYZ, tốt nghiệp đại học DEF...". Hãy nói nhiều hơn về những thông tin trong CV không đề cập, cách bạn biết đến và apply vào công ty, tính cách hay sở thích của bản thân,... Nhưng cũng không nên quá dài dòng nhé 😄 các thông tin bạn cung cấp cũng nên mang tính tích cực chứ đừng kể những sở thích như "ngủ", tính cách "nóng nảy",... Mục đích của việc giới thiệu bản thân đôi khi là để kết nối giữa bạn với người phỏng vấn, tạo cảm giác thoải mái, giảm tính căng thẳng, từ đó khiến các phần sau cũng sẽ diễn ra suôn sẻ hơn.
  • Thành thật, thành thật, thành thật: Điều quan trọng phải nhắc lại ba lần! Những người đứng ra phỏng vấn bạn, họ đã phỏng vấn khoảng một tỷ ông fresher giống như bạn, họ có thể "ngửi" được mùi nói xạo của bạn 😃 nên chỉ cần đưa thêm một vài câu chuyên sâu là xác định được bạn có thực sự nắm được kiến thức hay chỉ là show ra làm màu. Khi đó, bạn sẽ gấy ấn tượng tiêu cực về thái độ, vi phạm phần "cảm tính" mình đề cập bên trên, rất khó cứu vớt. Thay vì chém gió cho một câu hỏi bạn không biết, hãy thành thật thú nhận rằng bạn không biết, nhưng theo một cách khôn ngoan hơn, bạn có thể tham khảm theo công thức "Em chưa có cơ hội tiếp cận phần này" hay "Em mới chỉ nghe đến nó dùng để giải quyết vấn đề ABC nhưng chưa trực tiếp sử dụng", nghe sẽ ổn hơn "Em không biết cái này" nhỉ?
  • Thể hiện một thái độ cầu tiến: Nếu người phỏng vấn đề ra hoặc yêu cầu một kiến thức bạn không biết, bạn không cần quá căng thằng mà hãy áp dụng quy tắc thành thật bên trên 😄. Trong ngành này, dù là Senior cũng không thể nắm được tất cả các tools, libs, hay frameworks đâu. Cái quan trọng là khả năng tiếp nhận, sẵn sàng nghiên cứu công nghệ mới, hãy thể hiện điều đó cho nhà tuyển dụng bằng cách nói rằng bạn sẽ tìm hiểu về nó nếu công ty yêu cầu, đó cũng chính là cái các công ty cần nhất ở một Fresher bên cạnh chuyên môn kỹ thuật.
  • Biến cuộc phỏng vấn thành một cuộc trao đổi kiến thức: Hãy tạo ra sự tương tác với người phỏng vấn bằng cách hỏi ngược lại để tham khảo, xin thêm lời khuyên, trình bày các trải nghiệm và cả khó khăn của bạn, dẫn dắt cuộc hội thoại thật thoải mái và thân thiện, mở rộng câu chuyện bằng cách dẫn xuất những vấn đề và kiến thức liên quan. Nhưng hãy thật khéo léo ở phần này nhé, hãy làm điều này chỉ khi bạn cảm thấy thái độ của người phỏng có xu hướng cởi mở, và cũng đừng làm lố 😄.
  • Hãy đặt câu hỏi ở cuối buổi phỏng vấn: Sau cùng bạn sẽ luôn được người phỏng vấn hỏi rằng bạn có muốn đặt câu hỏi gì về công ty không, và tất nhiên, làm ơn đừng nói "không" 😃 Như bên trên mình đã nói, bạn cần phải tìm hiểu trước về thông tin và văn hóa công ty, khi đó hãy khéo léo thể hiện bạn đã tìm hiểu vào công ty thông qua các câu hỏi, ví dụ có thể tham khảo như: "Theo em tìm hiểu công ty mình làm các dự án thị trường Âu, Mỹ và có chi nhánh bên đó, vậy có tập trung vào domain nào không?". Bạn cũng có thể hỏi thêm về các hoạt động của công ty, quy mô tổ chức công ty, v.v... nhưng lưu ý đừng hỏi các câu hỏi liên quan đến thông tin nội bộ quá chi tiết, bảo mật của công ty nhé!
  • Tôn trọng người phỏng vấn và công ty: Dù diễn biến có như nào, thì bạn luôn luôn cần tôn trọng người phỏng vấn bạn. Hãy đến trước thời gian hẹn khoảng 15'p, lựa chọn trang phục phù hợp để thể hiện bạn đang nghiêm túc với vị trí công việc bạn ứng tuyển. Trong quá trình phỏng vấn, hãy trả lời một cách lịch sự, sử dụng kính ngữ khi cần thiết, tuyệt đối không thể hiện thái độ tiêu cực, chán nản. Nếu bản cảm thấy người phỏng vấn cung cấp thông tin không chính xác, hay xa hơn là "thiếu kiến thức", đừng vội tỏ thái độ bất mãn hay coi thường mà hãy trao đổi lại với tiêu chí góp ý, cũng có thể đó là một phép thử về kiến thức và cả thái độ của công ty dành cho bạn đó 😁

Hoàn thành bài test

Để hoàn thành tốt bài test thì phụ thuộc hoàn toàn khả năng và kiến thức của các bạn, mình chỉ có một vài lời khuyên nhỏ liên quan đến phần này như sau ^^

  • Làm rõ bài toán, xác nhận lại yêu cầu với người phỏng vấn: Đây là một bước mình đánh giá rất cao! trước khi bắt đầu vào code, bạn hãy đọc lại thật kĩ yêu cầu và tóm tắt lại theo ý hiểu của mình với người phỏng vấn, qua đó bạn có thể xác nhận lại những phần chưa nắm rõ, tránh làm sai yêu cầu và lạc đề. Người phỏng vấn cũng sẽ thấy được kĩ năng đọc hiểu nghiệp vụ của bạn, vốn rất quan trọng trong quá trình làm việc thực tế.
  • Hãy đầu tư cả về phần clear code: Bạn nên comment vào một số đoạn code cần thiết, tất nhiên cả bạn và người phỏng vấn đều có thể hiểu đoạn code đó, tuy nhiên việc đặt các comment cần thiết sẽ giúp code của bạn trở nên bài bản, thể hiện được cách phân tích bài toán và phân chia function của bạn từ đó gây ấn tượng tốt hơn với người review code. Mình khuyên các bạn tìm hiểu thêm về một số conventions, principles khi viết code như SOLID để code nhìn chuyên nghiệp, tường minh hơn.
  • Hãy skip các logic mà bạn không thể xử lý: Rất nhiều bạn thường bị khựng lại ở một thuật toán chưa được học, hay một vấn đề mà không biết cách giải quyết dẫn đến việc code không đủ flow, không chạy được hoặc từ bỏ bài test. Hãy sử dụng phương án mocking cho các function mà bạn không thể triển khai (nghĩa là bạn sẽ tự đặt giả thuyết cho kết quả của chức năng đó để tiếp tục làm các phần khác thay vì bỏ ngang), sau đó bạn có thể đề xuất người phỏng vấn skip phần đó để review các phần tiếp theo.
  • Hãy giải thích cách bạn giải quyết bài toán: Sau khi kết thúc thời gian code, bạn sẽ cần trình bày cách bạn triển khai và giải quyết vấn đề. Tại bước này hãy có gắng nói chính xác theo ý hiểu của bạn, hãy tưởng tượng bạn đang giải thích vấn đề với một người không biết gì một cách dễ hiểu nhất có thể, tuy nhiên cũng cần thể hiện được các kĩ thuật bạn sử dụng, ưu nhược điểm, phương án thay thế, v.v... Đối với các phần logic bạn chưa hoàn thành được (đã nói ở phần trên), hãy xin ý kiến tham khảo của người review code, vừa để học hỏi thêm kiến thức cho bản thân mà bạn cũng sẽ được đánh giá cao hơn.

Một số lưu ý về vấn đề quy trình

Đây cũng là một phần để nhà tuyển dụng đánh giá kĩ năng mềm của bạn, rất nhiều bạn sinh viên chưa có kinh nghiệm về quá trình apply cũng như phản hồi mail HR. Hãy lưu ý một số việc sau:

  • Apply CV đúng subject và nôi dụng mail nhà tuyển dụng yêu cầu, nếu không thì hãy chủ động viết đúng với nhu cầu ứng tuyển, vị trí, công nghệ,... đừng chỉ gửi mỗi file CV mà không để lại câu nào 😆.
  • Khi nhận được mail mời phỏng vấn, hãy phản để hồi xác nhận lại thời gian và cho nhà tuyển dụng biết bạn chắc chắn có thể tham gia vào lịch hẹn đó. Ngược lại, hãy trao đổi lại lịch nếu bạn bận hoặc không còn nhu cầu apply.
  • Hãy gửi email cảm ơn sau buổi phỏng vấn.
  • Sử dụng văn phong chuyên nghiệp, formal.

Trên đây mình đã tổng hợp cho các bạn một số Tips dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Tuy không thể có một lời khuyên chính xác 100%, nhưng mình tin rằng những điều mình nói bên trên chắc chắn sẽ làm cho buổi phỏng vấn của bạn diễn ra tốt đẹp hơn! Rất mong bài viết này cùng với sự nỗ lực của bản thân bạn sẽ giúp bạn pass được vị trí bạn mong muốn. Nếu có bất kì góp ý nào, hãy để lại comment một cách lịch sự, mình sẽ lắng nghe tất cả ý kiến của các bạn, còn nếu cảm thấy bài viết này có ích, hãy chia sẻ đến mọi người nhé!

Follow Techomies để đón nhận thêm nhiều nội dung thú vị khác!

Bình luận

Bài viết tương tự

- vừa được xem lúc

Đề thi interview DevOps ở Châu Âu

Well. Chào mọi người, mình là Rice - một DevOps Engineers ở đâu đó tại Châu Âu.

0 0 66

- vừa được xem lúc

5 câu hỏi phỏng vấn Frontend giúp bạn tự tin hơn khi sử dụng bất đồng bộ trong Javascript

Một trong những điều khó khăn khi học Javascript là promises. Chúng không dễ hiểu và có thể cần một vài hướng dẫn và một thời gian kha khá để vận dụng chúng.

0 0 81

- vừa được xem lúc

Một số câu hỏi phỏng vấn liên quan đến SQL mà bạn nên biết^^

Những bài viết trước mình đã chia sẻ những kiến thức cơ bản về Database, MySQL, một số câu lệnh truy vấn cơ sở dữ liệu thường dùng mà các bạn có thể áp dụng vào công việc Tester, QA đang làm như:. MySQL cơ bản: https://link.

0 0 459

- vừa được xem lúc

Phỏng vấn tác giả Proxyman: Từ side project thành full-time business

Phỏng vấn tác giả Proxyman: Từ side project thành full-time business. Bắt đầu từ một pet product để giải quyết những vấn đề cá nhân gặp phải trong.

0 0 28

- vừa được xem lúc

[AI Interview] 12 câu hỏi phỏng vấn Deep Learning siêu hay không thể bỏ qua

Xin chào các bạn, hôm nay mình sẽ quay lại với các bạn về một chủ đề không mới những chưa bao giờ hết hot. Đó chính là các câu hỏi mà thường được hỏi khi phỏng vấn vị trí AI Engineer là gì?.

0 0 212

- vừa được xem lúc

NHỮNG CÂU TRẢ LỜI PHỎNG VẤN QC - MANUAL TESTER - FRESHER LEVEL _ DDTCMT

Em có thể mô tả life cycle của một bug. . . Nguồn hình: https://itguru.

0 0 347