Đối với một web developer, nếu bạn muốn tìm kiếm một công việc có giờ giấc linh hoạt, được trả một mức lương cao, thì điều đó hết sức dễ dàng để biến thành sự thật. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ là bạn cần phải xác định được đâu là những kỹ năng cần thiết và quan trọng để bạn tìm kiếm được một công việc phù hợp với nhu cầu mong muốn của bạn.
Nếu bạn đang lên kế hoạch học xây dựng website để tìm kiếm thu nhập cho bản thân, ít nhiều gì bạn cũng biết bạn cần phải học những thứ như là HTML, CSS và JavaScript. Nhưng nếu bạn chỉ dừng lại ở những kiến thức này thôi thì chắc chắn bạn sẽ không thể apply vào bất kỳ một công ty phát triển website nào bởi vì những yêu cầu hiện nay đòi hỏi bạn phải biết sử dụng thêm những framework hay thư viện để tăng tốc quá trình phát triển website hơn nữa.
Chắc hẳn bạn đã từng nghe đến ReactJS? Nhưng liệu bạn đã biết chính xác ReactJS là gì? Nó có phải là một ngôn ngữ lập trình khác không? Để trả lời cho những thắc mắc của bạn và giúp bạn dễ dàng tiếp cận với ReactJS, chúng tôi đã tổng hợp những thông tin hữu ích trong bài viết này để giải đáp các thắc mắc trên của bạn.
1. ReactJS là gì?
ReactJS là một opensource được phát triển bởi Facebook, ra mắt vào năm 2013, bản thân nó là một thư viện Javascript được dùng để để xây dựng các tương tác với các thành phần trên website. Một trong những điểm nổi bật nhất của ReactJS đó là việc render dữ liệu không chỉ thực hiện được trên tầng Server mà còn ở dưới Client nữa.
2. Tại sao các JavaScript developer lại sử dụng ReactJS?
ReactJS là một thư viện JavaScript chuyên giúp các nhà phát triển xây dựng giao diện người dùng hay UI. Trong lập trình ứng dụng front-end, lập trình viên thường sẽ phải làm việc chính trên 2 thành phần sau: UI và xử lý tương tác của người dùng. UI là tập hợp những thành phần mà bạn nhìn thấy được trên bất kỳ một ứng dụng nào, ví dụ có thể kể đến bao gồm: menu, thanh tìm kiếm, những nút nhấn, card,… Giả sử bạn đang lập trình một website thương mại điện tử, sau khi người dùng chọn được sản phẩm ưng ý rồi và nhấn vào nút “Thêm vào giỏ hàng”, thì việc tiếp theo mà bạn phải làm đó là thêm sản phẩm được chọn vào giỏ hàng và hiển thị lại sản phẩm đó khi user vào xem => xử lý tương tác.
Trước khi có ReactJS, lập trình viên thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng “vanilla JavaScript”(JavaScript thuần) và JQuery để xây dựng UI. Điều đó đồng nghĩa với việc quá trình phát triển ứng dụng sẽ lâu hơn và xuất hiện nhiều bug, rủi ro hơn. Vì vậy vào năm 2011, Jordan Walke – một nhân viên của Facebook đã khởi tạo ReactJS với mục đích chính là cải thiện quá trình phát triển UI.
Hơn nữa, để tăng tốc quá trình phát triển và giảm thiểu những rủi ro có thể xảy ra trong khi coding, React còn cung cấp cho chúng ta khả năng Reusable Code (tái sử dụng code) bằng cách đưa ra 2 khái niệm quan trọng bao gồm:
JSX. Virtual DOM. Để hiểu rõ hơn về ReactJS và tại sao bạn nên sử dụng nó, chúng ta cùng nhau tìm hiểu 2 khái niệm trên để xem chúng thực sự làm việc như thế nào.
2.1 JSX
Trọng tâm chính của bất kỳ website cơ bản nào đó là những HTML documents. Trình duyệt Web đọc những document này để hiển thị nội dung của website trên máy tính, tablet, điện thoại của bạn. Trong suốt quá trình đó, trình duyệt sẽ tạo ra một thứ gọi là Document Object Model (DOM) – một tree đại diện cho cấu trúc website được hiển thị như thế nào. Lập trình viên có thể thêm bất kỳ dynamic content nào vào những dự án của họ bằng cách sử dụng ngôn ngữ JavaScript để thay đổi cây DOM.
JSX (nói ngắn gọn là JavaScript extension) là một React extension giúp chúng ta dễ dàng thay đổi cây DOM bằng các HTML-style code đơn giản. Và kể từ lúc ReactJS browser hỗ trợ toàn bộ những trình duyệt Web hiện đại, bạn có thể tự tin sử dụng JSX trên bất kỳ trình duyệt nào mà bạn đang làm việc.
2.2 Virtual DOM
Nếu bạn không sử dụng ReactJS (và JSX), website của bạn sẽ sử dụng HTML để cập nhật lại cây DOM cho chính bản nó (quá trình thay đổi diễn ra tự nhiên trên trang mà người dùng không cần phải tải lại trang), cách làm này sẽ ổn cho các website nhỏ, đơn giản, static website. Nhưng đối với các website lớn, đặc biệt là những website thiên về xử lý các tương tác của người dùng nhiều, điều này sẽ làm ảnh hưởng performance website cực kỳ nghiêm trọng bởi vì toàn bộ cây DOM phải reload lại mỗi lần người dùng nhấn vào tính năng yêu cầu phải tải lại trang).
Tuy nhiên, nếu bạn sử dụng JSX thì bạn sẽ giúp cây DOM cập nhật cho chính DOM đó, ReactJS đã khởi tạo một thứ gọi là Virtual DOM (DOM ảo). Virtual DOM (bản chất của nó theo đúng tên gọi) là bản copy của DOM thật trên trang đó, và ReactJS sử dụng bản copy đó để tìm kiếm đúng phần mà DOM thật cần cập nhật khi bất kỳ một sự kiện nào đó khiến thành phần trong nó thay đổi (chẳng hạn như user nhấn vào một nút bất kỳ).
Ví dụ, khi người dùng bình luận vào khung comment vào bất kỳ bài Blog nào trên website của bạn và nhấn “Enter”. Dĩ nhiên, người dùng của bạn sẽ cần phải thấy được bình luận của mình đã được thêm vào danh sách bình luận. Giả sử trong trường hợp không sử dụng ReactJS, toàn bộ cây DOM sẽ phải cập nhật để báo hiệu sự thay đổi mới này. Còn khi bạn sử dụng React, nó sẽ giúp bạn scan qua Virtual DOM để xem những gì đã thay đổi sau khi người dùng thực hiện hành động trên (trong trường hợp này, thêm mới bình luận) và lựa chọn đúng nơi đúng chỗ cần cập nhật sự thay đổi mà thôi.
Với việc cập nhật đúng chỗ như vậy, khỏi phải nói nó tiết kiệm cho chúng ta rất nhiều tài nguyên cũng như thời gian xử lý. Ở các website lớn và phức tạp như thương mại điện tử, đặt món ăn, v.v bạn sẽ thấy việc này là vô cùng cần thiết và quan trọng để làm tăng trải trải nghiệm của khách hàng và performance được cải thiện đáng kể.
3. Ưu điểm của ReactJS
Ngoài việc hỗ trợ xây dựng giao diện nhanh, hạn chế lỗi trong quá trình code, cải thiện performance website thì những tính năng đặc biệt dưới đây có thể là lý do khiến bạn “chốt sale” với ReactJS và bắt đầu tìm hiểu nó từ bây giờ:
- Phù hợp với đa dạng thể loại website: ReactJS khiến cho việc khởi tạo website dễ dàng hơn bởi vì bạn không cần phải code nhiều như khi tạo trang web thuần chỉ dùng JavaScript, HTML và nó đã cung cấp cho bạn đủ loại “đồ chơi” để bạn có thể dùng cho nhiều trường hợp.
- Tái sử dụng các Component: Nếu bạn xây dựng các Component đủ tốt, đủ flexible để có thể thoả các “yêu cầu” của nhiều dự án khác nhau, bạn chỉ tốn thời gian xây dựng ban đầu và sử dụng lại hầu như toàn bộ ở các dự án sau. Không chỉ riêng mỗi ReactJS mà các framework hiện nay cũng đều cho phép chúng ta thực hiện điều đó, ví dụ Flutter chẳng hạn.
- Có thể sử dụng cho cả Mobile application: Hầu hết chúng ta đều biết rằng ReactJS được sử dụng cho việc lập trình website, nhưng thực chất nó được sinh ra không chỉ làm mỗi đều đó. Nếu bạn cần phát triển thêm ứng dụng Mobile, thì hãy sử dụng thêm React Native – một framework khác được phát triển cũng chính Facebook, bạn có thể dễ dàng “chia sẻ” các Component hoặc sử dung lại các Business Logic trong ứng dụng.
- Thân thiện với SEO: SEO là một phần không thể thiếu để đưa thông tin website của bạn lên top đầu tìm kiếm của Google. Bản chất ReactJS là một thư viện JavaScript, Google Search Engine hiện nay đã crawl và index được code JavaScript, tuy nhiên bạn cũng cần thêm một vài thư viện khác để hỗ trợ điều này nhé!
- Debug dễ dàng: Facebook đã phát hành 1 Chrome extension dùng trong việc debug trong quá trình phát triển ứng dụng. Điều đó giúp tăng tốc quá trình release sản phẩm cung như quá trình coding của bạn.
- Công cụ phát triển web hot nhất hiện nay: Nếu bạn nhìn vào số liệu thống kê từ Google Trend ở Việt Nam ở hình bên dưới, dạo lướt qua các trang tuyển dụng hàng đầu ở Việt Nam như Topdev, Itviec, v.v bạn sẽ thấy số lượng tuyển dụng cho vị trí React Developer là cực kỳ lớn cùng với mức lương vô cùng hấp dẫn và độ phổ biến hiện tại của ReactJS trên thị trường Việt Nam là như thế nào.
Qua bài viết này, mình hy vọng sẽ đem đến cho bạn một cái nhìn tổng quan hơn về ReactJS, cũng như những lợi ích thực sự mà ReactJS mang lại cho chúng ta.
Tham khảo thêm các bài viết tại: https://edu.200lab.io/blog/reactjs-la-gi