- vừa được xem lúc

Cách học DỐT tiếng Anh cho lập trình viên ?????

0 1 85

Người đăng: Vũ Minh Tiến

Theo Viblo Asia

Google cách học tốt Tiếng Anh thì ra hàng đống kết quả nhưng bạn mãi không dùng được cái nào. Vậy thay vì tìm cách học tốt hãy đọc thử những cách học DỐT sau đây xem sao.

Cách học dốt Tiếng Anh

Xem/đọc BBC, CNN, xem thời sự, đọc báo Thanh niên, Tuổi trẻ, American Voice People hay cái gì ấy mình không nhớ tên...

Bí kíp học dốt Tiếng Anh đầu tiên, là hãy lao vào đọc/xem những thứ bạn không quan tâm, nhàm chán thiếu thú vị, chỉ cốt để nhồi nhét Tiếng Anh vào đầu, công dụng duy nhất là dễ ngủ, mình đã thử và thành công.

Mấy trang kia mang tính chất ví dụ, hãy thay thế cụm trang đó bằng trang nào bạn không thích, chân lý vẫn giữ nguyên.

Ý mình không phải là chê mấy trang kia là dở, mà là đừng nghe người ta bảo đọc cái gì thì đọc cái nấy. Trừ phi là cái bạn thích, nếu không chắc bạn sẽ chẳng sờ vào đâu.

Đào bới khắp thành phố tìm trung tâm Tiếng Anh nào cho ngon.

Chưa thấy ở đâu lắm Trung Tâm như ở Việt Nam, đã thế còn mạnh miệng hô hào khẩu hiệu, thần kì hiệu quả chữa bách bệnh như ăn thịt Đường Tăng (vleu nhất là mấy bài quảng cáo tấm gương thành công do học ở trung tâm mà ra, đều là người du học hay học trường quốc tế, không thì cũng là tự giỏi từ trước rồi...). Thầy thì cũng có thầy this thầy that, nhưng đừng ỷ lại vào việc người khác dạy cho bạn. Đi học có tác dụng khi bạn hoàn toàn mù chữ + không có khả năng tự học + quá lo lắng không biết làm quen Tiếng Anh như nào + quá tự kỉ không thể ngồi học một mình thêm nữa + muốn giao lưu kết bè kết bạn ngắm gái xinh. Còn đâu thì muốn tiến bộ nhiều thì buộc phải nhận trách nhiệm về mình, tự học thật nhiều. Tuần học ở trung tâm 3 buổi thì còn lại ở nhà bạn cần học hàng ngày ròng rã, và trong một thời gian dài ròng rã. Không thể đốt cháy giai đoạn được đâu. Tiếng Anh nó không như đi học Toán mà có thể sử dụng tricks để tiến bộ thần sầu được. Nó cần phải ngấm dai, bền bỉ.

Download thật nhiều tài liệu, mua thật nhiều sách, down app về chật ních máy

Ngoại trừ từ điển chỉ cần 1 cái và có khi còn tra. Chứ sách vở các thứ thì mở ra dược mấy lần? Xóa đi để bộ nhớ mà tải phim.

Làm thật nhiều "bài tập" là xong

Tiếng Anh chứ có phải toán đâu mà chỉ cần mãi cộng cộng trừ trừ. S + V-ng + O... Cái này có tác dụng khi bạn làm bài kiểm tra + khi cần check lại thứ mình viết ra nói ra có chuẩn ngữ pháp hay không. Nhưng nó **không thể thay thế được quá trình nạp nhiều và đúng cách với thật nhiều input Tiếng Anh trong một thời gian dài.**Khi nói chuyện đâu thể ngồi lẩm bẩm cộng trừ được.

Mai mốt rảnh tôi sẽ học

Những người nói câu này không bao giờ học được. Hoặc có học nhưng được rất ít. Biết tại sao không? Vì họ bị ám ảnh việc học là nặng nề nhàm chán, là một việc cần đầu tư lớn lao về thời gian, công đoạn, môi trường, cảm xúc... Khi nào thiên thời địa lợi nhân hòa, nắng ấm mưa xuân, tâm hồn khoan khoái, đội bóng yêu thích thắng cuộc, crush nhắn tin lại, thì họ mới có thể sắp xếp học, học là hoành tá tràng luôn. Vì kế hoạch lớn quá nên không bao giờ đủ điều kiện bắt đầu. Dù đi học đi làm về bận tới mấy, bạn có bao giờ nói là "Thôi nay bận, mình sẽ không lên mạng xã hội nữa, không chat chit nữa, không xem Youtube nữa, không lướt web nữa, không xem bóng đá nữa,... để cuối tuần." Tất nhiên không rồi, vì bạn coi đó là những việc giải trí nhẹ nhàng, dễ dàng. Còn việc học thì tất nhiên là mệt, làm sao nổi. Nếu xử lý đúng cách thì việc học Tiếng Anh cũng có thể trở thành công cụ giải trí được. (Ban đầu có thể khó và cực nhưng mỗi ngày cố 1 tí rồi nó sẽ thành thói quen và dễ dàng hơn), xen kẽ nó đều đặn dai dẳng vào cuộc sống hàng ngày của bạn. Chia nhỏ nó ra, đừng coi nó to tát, ngày hôm nay mở một trang báo ra đọc / nhẩm vài từ mới / ghi chép vài mục / xem một clip phim hài, mất bao nhiêu thời gian của bạn? Hơn nữa lại còn vui? Cái gì làm được thì làm luôn đi, "ngày mai" là một ngày không bao giờ tới.

Chừng nào mà bạn thấy mình về đến nhà, vứt cái cặp xuống một phát, vớ lấy cái bánh để gặm và mở một cái gì đó bằng Tiếng Anh ra, khi mà ta làm gì đó chẳng phải vì mục đích gì, mà chỉ đơn giản vì thích như thế, thích thì méo cần mục đích. Học Tiếng Anh không phải sợ thi trượt, sợ sếp mắng... mà chỉ đơn giản vì thấy mấy hoạt động liên quan đến Tiếng Anh nó hay quá, thì lúc đó yên tâm là sẽ sớm thành cao thủ thôi.

Làm gì thì làm con mẹ nó đi, cứ ông nào nói "Tôi sẽ bắt đầu học Tiếng Anh" y như rằng không bao giờ học. Vì người mà thật sự học thì người ta nói "Tao đang học Tiếng Anh" hoặc nói thẳng luôn họ học được gì "Trong phim Deadpool thằng nhân vật chính nó nói câu ABC hóa ra nghĩa là XYZ..." chứ không nói là sẽ học, sẽ bắt đầu, sẽ cố gắng, sẽ cho thấy, sẽ đổi đời...

“There are seven days in a week, and “someday” is not one of them.

Dạy Tiếng Anh cho tôi đi

Thay vì bắt người ta dạy cho bạn, hãy tự tìm cách học đi rồi vướng mắc thì hỏi thẳng luôn liên quan đến cái bạn thắc mắc ấy. Mình thề là rất nhiều bạn bè mình bảo mình dạy cho họ và nhắc đi nhắc lại câu ấy hàng trăm lần, cứ gặp là lại tóm mình vào... mệt hết biết (nên mới viết bài này để quăng link cho họ). Khổ cái là dạy được thì mình cũng dạy rồi chứ ai muốn ích kỉ làm gì. Nhưng bản thân khổ chủ thì mình nói chẳng chịu nghe.

Đừng bắt người khác dạy, hãy tìm cách học. Vì sau cùng thì việc học tiếng phụ thuộc lớn vào bản thân bạn, vào cường độ input của bạn. Nếu bạn biết cách học rồi, thì làm theo đi. Nếu biết cách học nhưng thấy cách không hợp, thì tìm cách khác. Vẫn không được, thì đi tìm cảm hứng từ đồng đội, và hỏi cụ thể tiền bối là "Tao học như này như này mà không vào, theo mày tại sao, tao phải làm gì". Nếu học có vào nhưng không kiên nhẫn, thì đừng tìm cách học Tiếng Anh mà tìm cách luyện ý chí luyện kiên nhẫn, hoặc tìm người đồng cảm an ủi. Chán thì tham gia cộng đồng, chatroom. Vấn đề ở đâu thì sửa chỗ đó. Đặt sai vấn đề thì sao mà giải quyết được?

Nếu cần người để rèn Tiếng Anh cùng, xem các link trong bài này. Nếu muốn nói chuyện với tôi bằng Tiếng Anh, thì phang luôn. Muốn tôi review bài viết hay bản thu âm, thì gửi đây. Đừng mãi đứng ở vạch "Dạy cho tao đi".

Theo kinh nghiệm thì cứ ông nào hay nói là "Dạy tôi đi" y như rằng không bao giờ học. Còn ông nào phang luôn là cần giúp cái gì, ví dụ "Cho tao xin link phim nào dễ" hoặc "câu này nghĩa là gì" thì ít ra nó còn học.

Cứ kiếm hết cách học này đến cách học kia, nhưng không nghe lời ai cả

Đã hỏi cách học thì ít nhất hãy tạm tin và làm theo xem sao đã. Nếu một thời gian sau thấy không hiệu quả thì đổi sang cách khác vì không ai giống ai. Đừng hoang mang lo ngại là làm thế này được không làm thế kia được không. Vì chung quy lại thì làm gì cũng sẽ giỏi lên thôi. Cách duy nhất để dốt đi là cách bạn đang làm: hoang mang chong chóng hết cách này cách kia mà không thực sự bắt tay vào cách nào cả.

Cái gì cũng hỏi tại sao

Tại sao chỗ này lại viết như thế, tại sao người ta lại nói như thế.

Câu trả lời kiểu "khoa học hóa Tiếng Anh" sẽ là:

  • ở vì đây là thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn, mà thì này được dùng diễn tả một việc đã xảy ra và chưa kết thúc mà bla bla bla
  • ờ vì -ing dùng cho vật còn -ed dùng cho người....

Rất tiếc, sự giải thích này chỉ có ứng dụng cho tầm vài % "kiến thức" trong khi những thứ không giải thích được có lẽ chiếm 90%. Tác dụng của sự giải thích này, giống ở mục Làm nhiều bài tập. Còn với những cái không giải thích được (hoặc có giải thích cũng không "giỏi Tiếng Anh" lên được) thì câu trả lời đúng của "tại sao như thế" là:

Vì người Anh thích như thế.

Nên nhớ, vì người Anh nói như thế nên mấy quy tắc này được sinh ra, chứ không phải vì có mấy quy tắc này nên người ta phải nói như thế.

Vậy nên đừng hỏi tại sao nữa, vì những gì không thể hỏi tại sao mới là phần lớn của ngôn ngữ, thông qua sinh hoạt qua lịch sử mà hình thành nên chứ không cần lí do nào cả. Nói nhiều thành quen thôi.

Bạn muốn hỏi lí do để có thể nhớ, như những môn học khác, hiểu mới nhớ. Đáng tiếc là ngôn ngữ thì không như vậy. Dùng mới nhớ.

—> Suy luận chỉ có tác dụng với 1 số ít chủ điểm ngữ pháp, tầm vài % của tổng số lượng kiến thức cần học. Nếu cứ bắt người học TA như học Toán, dựa vào suy luận, thì cả đời không nói nổi 1 câu hội thoại hoàn chỉnh. Cách duy nhất là tiếp xúc thật nhiều, trong một cường độ cao (thì thời gian rút nhắn lại), hoặc thư thả (thì thời gian dài ra), thì ngôn ngữ ngấm vào người và tự nói đúng tự biết sai ở đâu. Có 99% vấn đề không thể suy luận mà ra được, khiến người học cứ mải miết tìm cách suy luận và dựa dẫm vào suy luận thay vì chú ý nạp kiến thức và các ví dụ, chủ quan cho rằng cứ thế học vài ba ngữ pháp trong sách giáo khoa hay khóa học đưa ra là ngon, có thể dùng vài mưu mô để trở thành một người sử dụng Tiếng Anh thành thạo, ỷ lại để không cần tiếp xúc TA nhiều, và rồi như thế không bao giờ tiến bộ được. Ngoài ra nó ngăn trở người học được vui vẻ khi học vì cứ suy nghĩ mãi và quá chăm chú vào việc "học" cho đúng quy củ trong khi sợ hãi rằng việc xem phim, đọc sách báo, nghe nhạc, chat chit... không phải là "học".

Thế phải làm gì đây?

“You don't know a language, you live it. You don't learn a language, you get used to it.”

Tinh thần chung

Mọi ý kiến của mình xoay quanh antimoon method hay input-based language learning.

Đại khái là tăng cường độ tiếp xúc, nạp input. Cách để giỏi một ngôn ngữ là có nhiều input (nghe, đọc) và không cần phải hộc tốc nói / viết sớm. Và khả năng nói / viết của bạn sẽ tự giỏi lên mà không cần phải luyện nói hay luyện viết, chỉ cần nghe nhiều đọc nhiều.

Hàng ngày đọc rất nhiều nguồn input, có thể là 1 câu chuyện cười ngắn 10 dòng, 1 truyện ngắn 30 dòng, 1 bài báo với độ dài không cần biết, 1 câu nói 1 câu khẩu hiệu mà bạn nhìn thấy ở đâu đó, 1 đoạn clip, một cuộc trò chuyện, tóm lại không cần biết độ dài input là bao nhiêu, miễn có là tốt, càng nhiều càng tốt, nhiều tức là có thể từ nhiều nguồn, chứ còn mỗi nguồn có độ dài bao nhiêu thì không quan trọng. Khi đọc, xem, nói chuyện, lưu ý lại hoặc ghi chú lại những gì mà đoán là sau này cần. Một từ vựng, cụm từ, tất cả những gì mà bạn nghĩ bạn sẽ dùng, một thứ bạn luôn muốn tìm cách diễn đạt mà lâu nay không biết giờ mới thấy, hay thứ mà bạn bây giờ mới biết mình sai.

Cách ghi chú / cẩn thận với các cụm từ

Có rất nhiều cụm từ như kiểu từ lóng, được hợp thành bởi những từ rất cũ. Nhưng khi ghép lại thì thành nghĩa hoàn toàn khác, hoặc cách nói, lối nói, cách diễn đạt, mà mình không phải là người Anh/Mỹ thì không tài nào nghĩ ra cái kiểu đấy để viết. Ví dụ "But how authentic are these personae to their true personalities?" (Nhưng liệu những tính cách này giống tính cách thật của họ đến đâu?). Bản thân chữ to nó không phải từ mới, nó cũng đi một mình nên không phải cụm từ, nhưng đây là một cách diễn đạt mà nếu không gặp thì không tài nào biết được là phải viết như thế. Bây giờ bảo mình dịch câu "Nhưng liệu những tính cách này giống tính cách thật của họ đến đâu" sang Tiếng Anh thì chả viết loạn lên và không bao giờ đúng. Vậy nên phải ghi lại mấy cách diễn đạt này, sau này có diễn đạt giống thế thì bắt chước cho đúng. Mục đích của mình là nói theo những gì người Anh/Mỹ nói, nên cứ phải làm quen và bắt chước, không cần hỏi tại sao, vì đơn giản là chẳng có lý do gì cả.

Quy tắc nhận diện những cụm từ kiểu đó là: dịch sang tiếng việt, rồi không nhìn vào bản gốc, chỉ dựa vào bản việt của mình dịch lại sang Tiếng Anh, chỗ nào dịch sai, tức là nó là 1 phrase cần ghi lại. Vì phrase đó mình diễn đạt sai rồi, phải diễn đạt theo kiểu của ng Mỹ.

Ngoài ra có những cái mà bạn viết tuy khác bản gốc, nhưng KHÔNG sai, lúc nào nghi nghi kiểu đó thì hãy đi hỏi ai đó.

Trong khi viết phrase, chú ý tự biến đổi lược bỏ những đoạn không cần thiết hoặc vấn đề ngữ pháp không liên quan, ví dụ như đổi hết các thì về thì hiện tại đơn, chỉ giữ lại phrase cần tập trung học. Các vấn đề ngữ pháp kia chỉ ghi 1 lần ra đâu đó thôi, Dont Repeat Yourself :v

Khi viết phrase nên ghi lại cả câu để sau này còn biết được ngữ cảnh nó là gì. Rồi bôi đen đoạn phrase cần học là được.

Lưu ý: Đừng cố hỏi tại sao.

Thích cái gì, đọc cái đó. Thích xem gì thì xem cái đó

Thích bóng đá? Lên web bóng đá, diễn đàn bóng đá, Reddit bóng đá. Thích cây cối chim muông, đọc về cây cối chim muông. Thích khoa học thì đọc Wikipedia, các web khoa học. Thích truyện tranh thì lên Kissmanga, app Naver Webtoon... Thích máy tính đọc về máy tính, StackOverFlow... Thích kinh dị creepy lên tìm trên Tumblr, Wattpad... Thích xem thiên hạ chém gió lên đọc comment trên những video Youtube bạn thích.

Nhiều người hỏi khó lắm biết gì đâu mà đọc. Khó quá có thể đọc truyện tranh, mẩu tin ngắn thay vì dài. Dần dần nâng cao lên.

Phim thì đừng có bó buộc bản thân vào mấy cái Friends, How I Met Your Mother. Riêng mình không thích 2 phim này. Bạn thích phim nào thì xem phim ấy. Trên đời này không thiếu những phim với từ vựng dễ, mà ngay cả từ vựng khó nhưng bạn hứng thú xem thì đảm bảo vẫn dễ vào đầu, dễ sẵn sàng lăn xả hơn là một phim mà ai cũng recommend, ai cũng khen, ai cũng khuyên, nhưng riêng bạn thì không thích xem.

Một điều đơn giản mà không ai làm đó là: cái gì bạn thích đọc/xem nó bằng Tiếng Việt, thì hẵng đọc/xem nó bằng Tiếng Anh, thế thôi. Cái gì mà nếu nó là Tiếng Việt thì cả đời chẳng bao giờ sờ vào hoặc nuốt không nổi thì đừng cố. Cố không được lại bỏ cuộc và quay ra bảo học Tiếng Anh là khó, là chán.

Ngược lại, cái gì vốn đã hay đọc/xem bằng Tiếng Việt, thì bắt đầu chuyển qua dùng Tiếng Anh dần đi, ví dụ như mục sau đây:

Xem phim phụ đề Anh

Phim là thứ mà 100% nhân loại đều thích. Tại sao không tận dụng. Đừng kêu không hiểu nữa. Không hiểu nhiều thì hiểu ít. Không hiểu thì biết cách phát âm. Không hiểu thì pause lại tra từ. Không hiểu thì ghi ra để sau này hiểu. Không hiểu thì bật song song 2 loại phụ đề Việt-Anh lên.

Hi sinh "không hiểu" vài bộ phim để học cũng có làm sao nhỉ?

Có những phim còn sử dụng tiếng Nhật - một ngôn ngữ mà khó hơn cả Tiếng Anh nữa mà mọi người vẫn hiểu vẫn xem ầm ầm đó thôi.

Ngoài ra thì xem phim Nhật, phim Hàn, phim Thái, phim Việt...phụ đề Anh cũng có tác dụng nhé. Dù không bổ sung được phần nghe nói nhưng có tác dụng đọc hiểu.

Xem ở đâu?

  • Down về rồi dùng phần mềm như KMPLayer ghép 2 phụ đề song song Anh-Việt vào xem. down phim bằng torrent ở The Pirate Bay, down phụ đề tv series ở Addic7ed, phụ đề phim lẻ ở Subscene
  • xem online ở https://phimlearning.com/ , trang này khá hay ở chỗ có song song 2 phụ đề, lại còn có tính năng lưu lại từ vựng, tra từ trực tiếp, số lượng phim nhiều. Hoặc Study Phim hơi ít phim và hình như có hạn chế số lượng xem hàng ngày.
  • xem online trong ứng dụng Popcorn Time chủ yếu là phụ đề Tiếng Anh, kho phim đồ sộ phim gì cũng có.
  • Mua tài khoản Netflix và cài thêm Chrome Extension Language Learning with Netflix by: Dioco để bật phụ đề song song Ngoài ra bạn có thể chỉnh playspeed chậm lại cho dễ hơn.

Xem video về code

Trên Youtube có mấy kênh hay nói chuyện code khá hay, giọng chuẩn, êm tai, bổ ích: Coding Tech, Traversy Media, dotconferences, CS50, JSConf, Chris Hawkes, Web Dev Simplified, freeCodeCamp org, HackerRank, Dev Tips, thenewboston...

Chơi game, tìm chém gió với người chơi ở Mỹ, xem streamer...

Mòe không chơi nên không biết là cụ thể game gì và server nào để mà nói, nhưng muốn tìm có lẽ không khó. Có lẽ là các game mà cốt truyện "nói nhiều" hoặc game mà "giao tiếp nhiều" như Dota

Ngoài ra có thể xem streamer chơi game của bọn nói Tiếng Anh, hoặc xem mấy cái video clip chế lại từ game, có phụ đề Tiếng Anh nhưng nói tiếng việt, hoặc nói bằng Tiếng Anh đều được. Khi xem nhớ ghi chú lại từ mới, câu nói những gì cảm thấy sau này cần dùng.

Từ nay đừng Google với từ khóa tiếng Việt nữa

Bất kể là cái gì đừng tìm bằng tiếng việt nữa. Tập tìm bằng Tiếng Anh. Nếu không biết từ khóa là gì thì tra từ điển cái từ khóa rồi dùng từ khóa để tra lại google. Đọc kết quả bằng Tiếng Anh. Cái này đặc biệt công hiệu vì đã tìm nghĩa là bạn quan tâm. Quan tâm thì sẽ tập trung. Tập trung thì nhớ nhanh + nhớ lâu.

Giao lưu kết bạn trò chuyện chém gió chat chit với người bản xứ hoặc người Việt giỏi

Ở đâu à?

discord.me lên đây join vào cái server nào đông hoặc gõ từ khóa vào tìm kiếm server nào ưng ý mình. Discord là một platform chat text + voice RẤT ĐÔNG, vô cùng rộng lớn, khắp trên thế giới, đủ mọi chủ đề.

Mòe thì hay nằm ở server Programmer's Hangout vì hay lên đây hỏi về lập trình, mấy người ở đây vừa năng nổ giúp đỡ vừa có tính cách hay, thoải mái. Hôm bữa chui vào voice room cả nhóm đang nói chuyện thì có ông tự kỉ ngồi chơi piano theo chủ đề câu chuyện. Ví dụ khi Mòe nói tới cài win thì ổng chơi piano luôn bản nhạc khởi động windows,... nói tới phim thì ổng đánh luôn nhạc nền phim đó ? Nhiều người dị mà dễ thương thật.

Ai kêu không hiểu không biết nói gì, cái gì cũng phải từ từ và bền bỉ. Không biết thì tra, không biết thì hỏi.

Có cái server này của người việt nói Tiếng Anh và dạy tiếng việt cho người nước ngoài Learn Vietnamese-English có thể vào đây nếu cảm thấy muốn nói Tiếng Anh với người việt.

free4talk Hệ thống voice chat room học Tiếng Anh, lên đây nhảy vào room bất kì để nói, điểm hạn chế có lẽ là chủ yếu là người mới học hoặc người Trung Đông,... phát âm không chuẩn lắm. Nhiều room của người Việt cũng thỉnh thoảng có bạn giỏi, có thể vào tranh thủ vừa nói Tiếng Anh vừa giao lưu kết bạn thì được.

Paltalk Trên này cũng lắm room từ mọi miền thế giới, về nhiều chủ đề khác nhau, học Tiếng Anh, karaoke, bàn luận thế sự, room của người bản xứ về mấy chủ đề họ thích,... ngày xưa rõ lắm room show cam 18+ nhưng chắc giờ đỡ rồi.

Xat cũng rất nhiều room đủ thể loại nhưng trên này trẻ trâu là nhiều.

Reddit Bạt ngàn các forum con gọi là "subreddit" , thuộc về mọi chủ đề trên đời, muốn gì có nấy, mỗi subreddit lại có một chatroom. Cái này down app mobile về thì dùng tiện hơn, chat dễ hơn nhé. À lưu ý trên này có nhiều subreddit khá là độc hại, tiêu cực, NSFW, cult... nhưng vẫn được hoạt động bình thường, nhưng không có nghĩa là nó tốt cho bạn, tránh những thứ độc hại nha. Ngoài forum thì trên Reddit cũng có rất nhiều chatrooms của mỗi "subreddit"

Gitter Các phòng chat chính thức để hỗ trợ lập trình viên, hầu như phần mềm nào cũng có 1 phòng chat trên này

IRC là một mạng lưới đông đúc, quả nhiều server, lâu đời từ mấy chục năm rồi, chỉ hỗ trợ text chat và truyền file, không ava, không tên (chỉ có username), không ảnh ọt, không video, không gì cả, nhưng dân lập trình chắc sẽ thích vì nó sử dụng giao thức IRC, phải cài client để sử dụng được triệt để và khi đăng nhập phải nhập port number các thứ,.. đem lại cảm giác bí hiểm. Mình lang thang trên này nhiều năm nhưng chưa bao giờ gặp một bóng dáng người Việt Nam nào trên này.

Ngoài ra hầu như các phần mềm, hệ điều hành nổi tiếng đều có 1 kênh IRC chính thức. Mòe hay lui tới server của Linux Mint. Có server của Python, của Mozilla, Ubuntu, Fedora, GNU, Open Stack, Twitch...

Gitter Một đống chatroom dành cho dân lập trình, đăng nhập bằng Github ID. Tìm nhau cũng bằng github ID. Nhiều phần mềm hiện nay sử dụng Gitter làm nền tảng chat cho cộng đồng của họ như Netlify, còn nữa nhưng bạn cần gì cứ search chắc người ta cũng lên Gitter đó cả.

Tham gia các câu lạc bộ Tiếng Anh

Giờ các clb tiếng Anh thì có rất nhiều, nhất là ở HN. Mà ở các tỉnh thành các chắc chắn cũng có ít nhất 1 clb. Các bạn có thể vào Facebook search tên CLB để tìm ra Page hoặc Group tương ứng, xem các bài post cập nhật xem tuần hôm đó có sinh hoạt hay không, không thấy post thì inbox hỏi hoặc gọi điện tới số điện thoại của admin để hỏi.

sau đây là 1 số CLB Tiếng Anh tại HN mình từng đi hoặc nghe qua

GLN EC

Couchsurfing Hanoi English Club

Get a Life english club

QueerNest English Club

SEAMAP

Blabla

Efun

Urban Chickes

IZI

IELTS speaking club

Advance English Club

Hanoi English club

VSS English club

iTalk Coffee

Đọc sách Tiếng Anh

Ai mà Tiếng Anh mức trung bình trở lên có thể tìm đọc sách Tiếng Anh. Sách giấy hoặc sách điện tử. Mòe hay đọc sách điện tử vì dễ kiếm hơn là sách giấy và còn có thể tra ngay trong khi đọc bằng cách nhấn giữ vào từ.

Có thể mua Kindle hoặc tải app đọc sách như Moon Reader, FB Reader để đọc file prc, file epub... Dùng kèm với từ điển MSP Dict để hỗ trợ tra từ bằng nhấn chuột trong khi đọc.

Sách thì down trên Gen Lib trên này trừ sách mới xuất bản vài tháng, còn đâu thì sách gì cũng có.

Jstor Trang này bạn Mòe giới thiệu, hình như toàn tạp chí và các chương lẻ trong sách.

Hoặc forum của việt nam là TVE-4U cũng nhiều sách tiếng Việt và Tiếng Anh.

Khi nào có điều kiện hãy mua sách giấy hoặc donate để ủng hộ tác giả nhé.

Nghe radio bằng Tiếng Anh

Có nhiều app và website để nghe radio trực tuyến. Ví dụ: TuneIn, Shoutcast

Mình thì toàn vào Tunein thôi. Thực chất cũng như nhau, đều là cào lại từ các nguồn radio. Khi vào đó rồi bạn có thể search các radio thuộc các chủ đề mà bạn thích. Mình thì hay vào nghe nói về lập trình, nên mình search chữ "code", "programming", "developer"...

Các kênh mình hay nghe là Codeish, Coding blocks, Stuff you should know, WTF with Marc Maron, ID10T with Chris Hardwick... cái này tùy sở thích nha.

Phải thật lì

Không được sợ hãi, sợ sai. Mấy đứa bảng cửu chương còn không thuộc nó vẫn Google Translate để tán trai tây kiếm thẻ xanh ầm ầm kìa, các lập trình viên thông minh có gì phải sợ? Nếu bị người khác sửa lỗi đừng cáu kỉnh hay tự ti vì ai giỏi cũng đã từng ngu. Đau mới thấm. Hơn nữa bạn giỏi hay dốt cũng chẳng ai quan tâm vì người ta chỉ quan tâm đến chính họ thôi.

Thu âm giọng mình lại xem dở cỡ nào

Nếu mới học, có lẽ bạn không biết phát âm thế nào là đúng chuẩn, nhưng sẽ biết thế nào là sai. Thật ra phát âm chuẩn quá thì cũng không bắt buộc, nhưng mà nên hướng đến càng chuẩn càng tốt. Tất nhiên miễn người khác nghe mà hiểu được là được rồi, nhưng phát âm chuẩn sẽ khiến bạn trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Khi thu âm, nghe lại giọng mình nói, công nhận sởn tóc gáy vì ngoài đời nghe giọng mình cũng OK, mà sao ghi âm nghe phát âm thật là "hãm". Lúc đó bạn đừng buồn hay dị ứng quá. Không đối chiếu thì làm sao mà biết được mình dở tới đâu. Cũng không ai giúp bạn 24/7 để chỉnh phát âm cho bạn được. Mở Google ra xem nó đọc khác mình đọc chỗ nào. Đương nhiên là ban đầu không bắt chước theo giống ngay được đâu, nhưng cứ làm nhiều lên.

Khi xem phim thấy có câu thoại hay cũng nên ghi âm lại giọng mình đọc, thi thoảng mở ra nghe rả rả.

Có trách nhiệm với những gì mình viết ra

Có những lỗi sai cơ bản rất đơn giản và không yêu cầu cao siêu gì thì tránh mắc. Khi viết nói chuyện với người khác hay ngay cả viết linh tinh lên facebook cũng phải tự soát lỗi để tránh thành thói quen xấu khó bỏ. Học hành từ mới cấu trúc... đao to búa lớn làm gì khi mà chính những thứ nhỏ nhặt mới là thứ thể hiện trình độ của bạn:

yesterday i go toilet 6 time a day she like me but i only want love man Có cụm từ nào mà bạn không dám đảm bảo là đúng (chưa viết quen, chưa kiểm nghiệm) thì Google xem viết như thế là đúng hay sai, bằng cách cho cụm từ đó vào trong ngoặc kép. Nếu thấy không ai hoặc ít ai nói thế, không có kết quả nào từ bài báo chính thức nào, tức là sai rồi viết lại thôi. Khi google cụm từ đừng nhét cả câu dài ngoằng vào, kiếm đâu ra kết quả, tách ra, google từng cụm một thôi. VD bạn muốn biết câu này là đúng hay sai

I believer in me you will too

thì đừng tống cả "I believer in me you will too" vào search Google như này

mà tách ra

Lời gửi gắm

Ngày xưa thì mình không tin là một người không đi học trung tâm, chưa bao giờ ra nước ngoài, lại có thể có Tiếng Anh trơn tru. Một người em mình quen trên mạng đã chứng minh cho mình điều đó là sai, em ấy mới 17 tuổi, đi học trường bình thường ở HN, nhưng đọc rất nhiều sách, và có trình độ Tiếng Anh chuẩn nhất mình từng gặp hồi đó. Lúc đầu mình không tin nhưng rồi mình cũng chăm chỉ đọc và nghe, rồi thấy bản thân khá lên rất nhiều, nên giờ chia sẻ lại chút quan điểm thôi, chỉ mong giúp ích cho những bạn hoang mang như mình ngày xưa.

Và cuối cùng mình có lời gửi gắm là ai đang đọc bài này và đã đọc tới đây rồi thì đừng kipalog, đừng bookmark, đừng save, đừng share mà hãy học luôn đi! dành vài phút nghĩ lại về bản thân, về kế hoạch học trong tương lai ngay từ giờ phút này đi! Ngày mai không bao giờ đến cả! Không phải bây giờ thì lại đợi đến bao giờ? Bài này có quá nhiều thứ và chắc chắn bạn chỉ áp dụng được một phần nào đó, phần đó là phần nào, hãy làm luôn và đề ra lịch trình cho bản thân đi!

Bạn có thể xem bài viết gốc tại đây nhé: https://kipalog.com/posts/Cach-hoc-DOT-tieng-Anh-cho-lap-trinh-vien

Bình luận

Bài viết tương tự

- vừa được xem lúc

Xuất phát điểm của mình và chuyện văn hoá hustle

Bài viết này sẽ nói về xuất phát điểm của mình, bổ sung cho bài viết trước nhé. Mình sẽ viết chắc tầm 2 3 bài nữa trong series Nhật ký sinh viên kể về những lần phỏng vấn, chuẩn bị CV,.

0 0 35

- vừa được xem lúc

Top từ điển dành cho Công Nghệ Thông Tin

Hôm nay mình xin giới thiệu cho các bạn top 5 từ điển dành cho Công Nghệ Thông Tin. Trang chủ: https://www.dictionary4it.com/.

0 0 57

- vừa được xem lúc

Từ vựng hỗ trợ phỏng vấn tiếng anh QA/QC // DDTCTM

1 – Scrolling down / Scrolling up: động từ chỉ hạnh động dùng chuột giữa để di chuyển (lăn) trang web lên và xuống. 2 – Click on + Something: Nhấp vào.

0 0 31

- vừa được xem lúc

Blog#68: The Top 10 Design Patterns in JavaScript 😊 (Series: Master English with Technical Doc)

. Để giúp các bạn có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, Blog này mình sẽ viết bằng tiếng Anh. Mình sẽ cố gắng sử dụng ngữ pháp và từ vựng đơn giản nhất (level~A1) để giúp các bạn dễ dàng đọc nó.

0 0 31

- vừa được xem lúc

Blog#78: Understanding "Function Composition Pattern" in JavaScript

. Để giúp các bạn có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, Blog này mình sẽ viết bằng tiếng Anh. . . Hi, I'm Tuan, a Full-stack Web Developer from Tokyo .

0 0 26

- vừa được xem lúc

Blog#79: Understanding Currying Pattern in Javascript

. Để giúp các bạn có thể nâng cao trình độ tiếng Anh, Blog này mình sẽ viết bằng tiếng Anh. . . Hi, I'm Tuan, a Full-stack Web Developer from Tokyo .

0 0 24