Trước khi bước vào nội dung chính của bài viết mình muốn gửi tới những người bạn lập trình viên ngoài kia dù là Java hay bất cứ ngôn ngữ nào, dù mới bắt đầu hay còn đang nản lòng, muốn từ bỏ một điều rằng "Trong khoảnh khắc yếu lòng nhất, hãy nhớ rằng mỗi bước chân dù nhỏ bé cũng đưa bạn gần hơn với ước mơ. Đừng để nỗi sợ hãi làm mờ đi con đường phía trước mặt. Hãy thở sâu, đứng dậy, và bước tiếp. Bởi vì mỗi ngày trôi qua, chính là một cơ hội mới để chứng minh rằng bạn mạnh mẽ hơn bạn nghĩ, và thế giới rộng lớn hơn bạn thấy."
Bây giờ, trở lại những năm đầu của thế kỷ 21, Java đã từng là ngôn ngữ lập trình nổi tiếng và phổ biến nhất trên toàn cầu, và cho đến nay, nó vẫn là một trong những lựa chọn hàng đầu cho việc phát triển ứng dụng và dịch vụ trong môi trường kỹ thuật số. Tuy nhiên, với sự gia tăng không ngừng của các công nghệ mới như máy học, tích hợp điện toán, và Internet vạn vật, lập trình viên Java trong năm 2024 đang đối mặt với một thế giới đầy thách thức và cơ hội.
Trong bối cảnh này, việc xây dựng một lộ trình phát triển nghề nghiệp không chỉ là một sự lựa chọn mà là một điều cần thiết. Bằng cách kết hợp sự hiểu biết vững chắc về các nguyên tắc cơ bản của Java với sự khám phá và áp dụng các công nghệ mới, lập trình viên Java có thể nắm bắt cơ hội và tiến xa hơn trong sự nghiệp của mình.
Hãy cùng nhìn vào một lộ trình chi tiết, từ các bước cơ bản đến những hướng đi tiên tiến, giúp lập trình viên Java thích nghi và thành công trong thế giới kỹ thuật số đầy thách thức của năm 2024. Và nếu bạn muốn trở thành một nhà phát triển Java chuyên nghiệp hoặc muốn nâng cao kỹ năng Java của mình lên một tầm cao mới nhưng không chắc chắn về công nghệ, công cụ, framework và thư viện nào bạn có thể học thì bạn đã đến đúng nơi rồi đấy.
A. Tâm sự một chút
Nội dung của bài viết sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi mà chính bạn cũng thường hay hỏi bản thân mình như "Lập trình viên Java nên học những công nghệ nào?", "Công cụ nào giúp bạn trở thành một lập trình viên Java giỏi", "Và nếu bạn chọn Java thì nhất định phải học điều gì".
Mình sẽ cùng nhau đi vào từng khía cạnh, nhưng sẽ không đào quá sâu vào các công nghệ mà chúng ta sẽ đề cập tới, vì phần việc này là dành cho bạn cũng như với mỗi thứ được nhắc tới, các bạn sẽ cần phải có thời gian thực hành, research về nó trong một khoảng thời gian nhất định để trở nên thành thạo. Vì vậy bài viết sẽ chỉ dừng lại ở việc liệt kê, giới thiệu và đưa ra cho bạn từ khóa. Hãy lấy ngay sách bút ra, note lại các từ khóa này lại và cùng gặm nhấm nó nhé.
Nhân tiên, một điều nữa cũng không kém phần quan trọng đó là bạn không cần phải biết mọi thứ trong lộ trình này để trở thành một lập trình viên giỏi. Trên thực tế, bạn cũng chả cần coi trọng nó nếu bạn không muốn. Thay vào đó, hãy sử dụng lộ trình này làm điểm khởi đầu hoặc cũng có thể là điểm tiếp tục để giúp bạn định hướng trên con đường trở thành một bậc thầy Java với mức lương mơ ước nhé.
Nàoooo, giờ mình sẽ không dài dòng thêm nữa nhé. Hãy cùng nhìn qua lộ trình này nhé:
Kể ra nhìn cũng hơi khiếp nhỉ=))) Các bạn tự tin mình có thể nắm bắt được bao nhiêu thứ trong đây. Nhưng đừng lo, hãy coi chúng như những kẻ thù đáng gờm của bạn - tiêu diệt chúng để bạn biết mình mạnh tới mức nào.
B. Kỹ năng bắt buộc với bất kỳ lập trình viên Java nào
Bây giờ, Mình với bạn hãy từng bước xem qua Lộ trình dành cho lập trình viên Java này và tìm hiểu cách bạn có thể học các kỹ năng thiết yếu cần có để trở thành Lập trình viên Java vào năm 2024:
1. Git & Github
-
Git là một hệ thống quản lý phiên bản phân tán, cho phép lập trình viên theo dõi các thay đổi trong mã nguồn của họ, quản lý các nhánh khác nhau và hợp nhất các thay đổi. Là một lập trình viên, không riêng gì Java, bạn nên làm quen với Git và Github, các khái niệm thiết yếu như branch, commit, main, log, pull và push, cũng như các lệnh git cần thiết...
-
Đây thực sự là một trong những kỹ năng mà bất cứ lập trình viên nào cũng đều phải biết và học.
2. Linux
-
Không chỉ là lập trình viên web mà đối với bất kỳ lập trình viên nào, lệnh Linux rất, rất quan trọng và mình thực sự khuyên bạn nên dành chút thời gian tìm hiểu chúng. Vì hầu hết các ứng dụng Java đều chạy phía máy chủ nên bạn sẽ thường thấy chúng chạy trên máy chủ Linux.
-
Đó là lý do tại sao các dev Java bắt buộc phải làm quen với các khái niệm và lệnh Linux thiết yếu liên quan đến tệp, kiểm tra dung lượng ổ đĩa, quản lý quy trình cũng như các lệnh mạng.
Tham khảo bài viết : Top 50+ Linux Commands You MUST Know
3. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật
- Nghe đến khái niệm này nhiều bạn có vẻ sẽ thấy sợ đúng không=))) Nhưng chính cái gì khiến bạn sợ thì các bạn càng phải dành nhiều thời gian cho nó. Các bạn thấy sợ vì đơn giản các bạn biết các bạn yếu hơn nó.
- Đây là những nền tảng của bất kỳ chương trình nào và có kiến thức tốt về Thuật toán và Cấu trúc dữ liệu là điều quan trọng cho bạn cũng như công việc của bạn.
- Ít nhất bạn nên làm quen với các cấu trúc dữ liệu cần thiết như mảng (Array), Danh sách (List), danh sách liên kết (Linked List), bảng băm (Hash table), cây nhị phân (binary tree), hàng đợi (queue), ngăn xếp (stack) và biểu đồ (graph) cũng như các kỹ thuật giải quyết vấn đề như lập trình động (dynamic programming).
- Nếu bạn biết các cấu trúc dữ liệu nâng cao như Trie, B-Tree, AVL tree thì tốt.
- Để trau dồi hãy dành nhiều thời gian để thực hành cũng như luyệt tập về nó nhé. LeetCode, HackerRank, hay không đâu xa Viblo Code sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc thực hành cấu trúc dữ liệu và giải thuật đó.
Tham khảo tài liệu: Learn Data Structures and Algorithms | DSA Tutorial - Tiếng Anh
4. HTTP / HTTPS
- Giao thức HTTP là xương sống của web và lập trình viên web phải có kiến thức tốt về cả HTTP và HTTPS. Ít nhất các bạn nên biết về cách hoạt động của chúng cũng như các phương thức HTTP khác nhau và mục đích của chúng.
Tham khảo bài viết: What is the difference between HTTP and HTTPS? (Detailed Guide) - Tiếng Anh
5. SQL
- Chắc hẳn cũng chả cần nói nhiều về SQL đúng không, nên học và phải học chỉ vậy thôi.
- Đây là một trong những thứ mà mọi lập trình viên Java cần học vì nó sẽ giúp bạn khắc phục các sự cố back-end. Nếu bạn biết SQL, bạn có thể hiểu được cách thức lưu trữ, truy vấn cơ sở dữ liệu và tìm hiểu xem sự cố nằm ở lớp Java hay lớp Cơ sở dữ liệu. Đến một thời điểm, bạn sẽ thấy việc hiểu và thành thạo về nó đôi khi còn quan trọng hơn cả việc code đấy.
Tham khảo bài viết :
- 14 Essential SQL Commands [2024] | SQL Commands List PDF - Tiếng Anh
- SQL Tutorial W3schools - Tiếng Anh
6. Design Pattern
-
Design pattern cũng là một trong những kiến thức nền tàng mà các bạn cũng nên dành thời gian để học và tìm hiểu. Có rất nhiều các Design pattern khác nhau được áp dụng vào các trường hợp khác nhau nhưng nhìn chung chúng đều hướng tới một mục đích là tạo ra các mẫu thiết kế chung nhằm giải quyết một vấn đề nào đó.
-
Học về design pattern sẽ giúp các bạn trở nên linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề lập trình, cũng như tăng cường sự hiểu biết và kỹ năng của bạn.
Tham khảo tài liệu:
- Software Design Patterns Tutorial - Tiếng Anh
- Tổng hợp các bài hướng dẫn về Design Pattern - 23 mẫu cơ bản của GoF - Tiếng Việt trên Viblo
C. Lộ trình dành cho lập trình viên Java năm 2024
Bây giờ, hãy cùng mình khám phá lộ trình dành cho các lập trình viên Java và tìm hiểu những không cụ, thư viện, API và kỹ năng nào bạn có thể học để trở thành một lập trình viên Java chuyên nghiệp trong năm 2024 nhé.
1. Công cụ
Phần công cụ được chia thành các phần khác nhau. Đầu tiên, IDE, là công cụ chính của bạn và có thể thực hiện hầu hết mọi thứ bạn yêu cầu như biên dịch, chạy, gỡ lỗi, kiểm tra, so sánh tệp và code, tái cấu trúc, và nhiều hơn thế...
1.1. IDE
- Có 3 IDES chính là IntelliJIDEA, Eclipse và NetBeans. Lựa chọn IDE phụ thuộc vào sở thích cá nhân, yêu cầu công việc cụ thể và mức độ quen thuộc với các tính năng của từng IDE. Đối với lập trình viên Java mới bắt đầu, IntelliJ IDEA thường được đề xuất vì nó cung cấp một trải nghiệm phát triển toàn diện và dễ sử dụng. Tuy nhiên, việc thử nghiệm và tìm hiểu các IDE khác cũng là một cách tốt để tìm ra IDE phù hợp nhất với nhu cầu của mình.
1.2. Công cụ xây dựng
- Phần thứ hai là công cụ xây dựng mà bạn cần để xây dựng và triển khai các dự án của mình như Maven và Gradle. Bạn chỉ cần một trong hai là đủ. ANT cũng được coi là một cái tên, nhưng mà nó thường xuất hiện trong các dự án cũ. Đối với các dự án mới, hãy ưu tiên Gradle, nó ngắn gọn hơn nhiều so với Maven.
- Một cái tên nữa bạn thấy trên hình là Bazel. Nó là một công cụ xây dựng và kiểm tra mã nguồn mở được phát triển bởi Google, được thiết kế để hỗ trợ việc xây dựng và kiểm tra các dự án phần mềm có quy mô lớn, phức tạp và phân tán. Mặc dù Bazel không phổ biến bằng các công cụ xây dựng như Apache Maven hoặc Gradle, nhưng nó đang dần trở thành một lựa chọn phổ biến đối với các dự án phần mềm lớn và phức tạp. Các ưu điểm của Bazel bao gồm hiệu suất tốt, khả năng mở rộng và tích hợp tốt với các công cụ và hệ thống tự động hóa khác. Tuy nhiên, việc sử dụng Bazel có thể đòi hỏi kiến thức tốt ban đầu và tinh chỉnh để tận dụng hết tiềm năng của nó.
1.3. Containers & DevOps Tools
-
Phần này cũng khá quan trọng đó chính là vùng chứa như Docker và Kubernetes, các công cụ CI/CD như Jenkins, Gitlab CI/CD, CircleCI và TeamCity cũng như các công cụ tự động hóa cơ sở hạ tầng (Infrastructure as Code - IaC) như Terraform, Puppet, Ansible, Chef và AWS CloudFormation
-
Trong số này, Docker là quan trọng nhất vì nó giúp bạn dễ dàng thiết lập môi trường phát triển của mình cũng như giúp việc triển khai ứng dụng Java của bạn trở nên dễ dàng hơn
-
Kubernetes là cái tiếp theo, nó không thực sự cần thiết đối với tất cả chúng ta, đặc biệt nếu bạn không tham gia vào đội ngũ Devops. Nhưng chúng ta cũng nên nắm được các khái niệm cơ bản từ góc độ kiến thức.
-
Các công cụ Devops mình liệt kê ở trên có thể không thực sự cần thiết với bất kỳ cá nhân nào, nhưng có một sự hiểu biết nhất định về chúng sẽ giúp các bạn rất nhiều sau này, đặc biệt việc nắm được các kiến thức Devops cũng là điều vô cùng cần thiết nếu bạn muốn tiến xa hơn trên con đường này.
Tham khảo bài viết: Top 20 DevOps Tools to Look Out For in 2023 - Tiếng Anh
2. API Java
Điều quan trọng tiếp theo cần tìm hiểu là** API JDK**, nó thực sự rất, rất quan trọng đối với bất kỳ Java Developer nào. Đây là một phần khá lớn và đó là lý do tại sao nó mình chia thành các đầu mục cốt lõi như Java Collections framework , Java Concurrency , Java IO và Java 8 API, hãy cùng khám phá từng phần trong số đó
2.1. Java Collections Framework
-
Đây là một trong những API Java cần thiết nhất mà mọi lập trình viên Java nên học. API này cung cấp việc triển khai cấu trúc dữ liệu tiêu chuẩn trong java như linked list, set, stack, queue, hash table, priority queue....
-
Nó khá nhiều nhưng các bạn nên nắm rõ ít nhất các đối tượng như ArrayList, HashMap, HashSet, LinkedHashSet, TreeSet v.v
- Các đối tượng còn lại bạn cũng nên dành thời gian để tìm hiểu và thực hành để trau dồi thêm vốn kiến thức nhé
Tham khảo bài viết: Collections in Java - Tiếng Anh
2.2. Java Concurrency
- Sau Java Collections, API quan trọng tiếp theo trong nhóm Java là multi-threading và concurrency. Mình khẳng định rằng nếu muốn trở thành một lập trình viên Java giỏi, bạn phải hiểu và sử dụng vững chắc API Java Concurrency.
-
Bạn không chỉ cần hiểu sâu về các khái niệm cơ bản như Thread, Runnable, Object locking, và Synchronization mà còn phải làm quen với các khái niệm như deadlock, livelock, race conditions và cách giải quyết chúng.
-
Bạn cũng nên tìm hiểu về các khái niệm nâng cao hơn như synchronizers được thêm vào từ Java 5 và các khái niệm như CyclicBarrier, CountDownLatch, Phaser, và CompleteableFuture cùng với Future và cách để thực hiện thao tác không đồng bộ trong Java.
2.3. Java IO & NIO
- Mình đoán là ai cũng biết về JavaIO, nhưng mình cũng đoán nếu được hỏi về Java IO thì đa phần đều cảm thấy không thực sự tự tin về nó, hoặc thậm chí là ít kiến thức về Java IO. Java Collections và Multi-Threading thì quan trọng thật đấy, và cũng bởi vì người ta thích nói về 2 thằng này hơn là JavaIO, Nhưng JavaIO cũng không kém phần quan trọng đâu các bạn nhé. Vậy nên hãy dành thời gian cho nó ngay và luôn nha
-
Java IO (Input/Output) là một phần quan trọng trong ngôn ngữ lập trình Java, chịu trách nhiệm cho việc đọc và ghi dữ liệu từ và vào các nguồn khác nhau như tệp, mạng, và hệ thống tệp nội bộ. Nó cung cấp một thư viện mạnh mẽ và linh hoạt để xử lý dữ liệu dưới dạng byte hoặc ký tự, và có một số vai trò và lợi ích quan trọng
-
Java NIO (New Input/Output) là một API trong ngôn ngữ lập trình Java, được thiết kế để cung cấp một cách tiếp cận hiệu quả hơn cho việc xử lý I/O so với thư viện IO truyền thống. NIO được giới thiệu trong Java 1.4 để giải quyết một số hạn chế của giao diện IO cũ, và nó mang lại nhiều cải tiến về hiệu suất cũng như khả năng lập trình linh hoạt hơn. Các bạn cũng nên dành thời gian tìm hiểu về nó nhé
Tham khảo bài viết:
- Java IO Tutorial - Tiếng Anh
- Java IO vs NIO - Tiếng Anh
2.4. Tính năng của Java 8
- Bây giờ, API tiếp theo và cần thiết khác mà các bạn nên tìm hiểu đó là các tính năng mới được giới thiệu trong Java 8, bởi Java 8 ra đời giống như một cuộc cách mạng mới trong việc viết code Java.
- Để trở thành một lập trình viên giỏi trong năm 2024, vậy thì đừng để bản thân bị lỗi thời và tụt hậu. Giữ vững bản sắc cốt lõi, nhưng cũng hết mình và rộng mở bản thân với những điều mới sẽ giúp bạn trở thành con người của thời đại. Nên hãy học các sử dụng Lambda expression, StreamAPI, Optional, API Date&Time, Functional Interface... ngay và luôn nhé.
- Nói vậy chứ cũng đã 10 năm kể từ ngày Java 8 ra đời, vậy thì còn lí do gì để bạn chần chừ nữa
- À nhân tiện thì các bạn cũng có thể học luôn cả các tính năng mới trong các phiên bản Java tiếp theo nhé
Tham khảo bài viết :
- Java 8 Features – Complete Tutorial - Tiếng Anh
- Tất tần tật từ JDK8 đến JDK21 - Tiếng Việt
- 15 bài tập thực hành giúp bạn thành thạo Java Stream API
- Optional trong Java - cách sử dụng và khi nào nên sử dụng
- Optional trong Java - làm chủ 15 phương thức trong 20s
3. Frameworks
Một trong những điều tuyệt vời nhất mà Java mang lại cho những người quyết định lựa chọn nó đó chính là hệ sinh thái vô cùng tuyệt vời xung quanh, rất nhiều Framework và thư viện cho hầu hết mọi thứ. Bạn cũng không cần phải học hết tất cả trong số chúng cho đến khi thực sự cần nó trong dự án của mình. Tuy nhiên vẫn có những framework mà các bạn nên học như : SpringBoot, Hibernate, Log4j, JUnit,...
3.1. Spring Framework
-
Nếu bạn muốn trở thành một lập trình viên Java của năm 2024, mình thực sự khuyên bạn nên tìm hiểu Spring Framework trước. Đây là một trong những Framework Java phổ biến nhất và theo nghĩa đen, hầu hết mọi ứng dụng Java mà mình đã làm việc trong suốt những năm qua đều sử dụng framework này.
-
Học Spring Framework mang lại lợi ích lớn như giảm thời gian phát triển, tăng khả năng kiểm thử, tích hợp dễ dàng với các công nghệ khác và bảo mật tốt. Đồng thời, Spring là một trong những framework Java phổ biến nhất, cung cấp một cộng đồng mạnh mẽ và nhiều tài liệu hướng dẫn hỗ trợ.
3.2. Hinbernate
-
Framework thứ hai mà mình khuyên mọi nhà phát triển Java nên tìm hiểu là Hibernate, dựa trên JPA (Java Persistence API). Nói một cách chính xác thì Hibernate có trước JPA, nhưng vì JPA là một API tiêu chuẩn để triển khai Persence Layer trong Java nên Hibernate triển khai nó.
-
Học Hibernate mang lại lợi ích lớn như giảm việc viết SQL thủ công, tăng tính di động và tái sử dụng mã, và giảm bớt công việc quản lý kết nối và transaction. Nó cũng tích hợp tốt với các công nghệ khác như Spring và Java EE, giúp việc phát triển ứng dụng Java trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Và vì hầu hết mọi ứng dụng đều kết nối tới CSDL nên thật khó nếu không có một Framework phù hợp giúp chúng ta làm điều này thay cho JDBC
Tham khảo tài liệu :
- Hibernate Tutorial - Tiếng Anh
- Hibernate Tutorial - Một tutorial khác bằng Tiếng Anh.
3.3. Spring Boot
-
Đây là một Framework khác mà mình khuyên các bạn nên học vào năm 2024 trở đi. Spring Boot đã và đang áp dụng triết lý đơn giản hóa của Spring và làm cho việc làm việc với chính Spring trở nên dễ dàng. Giống như Spring giúp tạo ứng dụng Java dễ dàng hơn, Spring Boot giúp tạo ứng dụng Java dựa trên spring dễ dàng hơn.
-
Những lí do bạn nên học Spring Boot ngay và luôn:
- Tăng tốc độ phát triển: Spring Boot cung cấp các cấu hình mặc định tự động và các thư viện tích hợp sẵn, giúp giảm thời gian cấu hình và tăng tốc độ phát triển ứng dụng.
- Giảm phức tạp: Spring Boot giúp giảm bớt sự phức tạp trong việc xây dựng ứng dụng Java bằng cách cung cấp các giải pháp tự động cho nhiều công việc như cấu hình, dependency management, và việc triển khai.
- Microservices và Cloud Native: Spring Boot được thiết kế để hỗ trợ việc xây dựng các ứng dụng microservices và ứng dụng native cloud. Nó tích hợp tốt với các công nghệ như Spring Cloud và Kubernetes, giúp dễ dàng phát triển và triển khai ứng dụng trên môi trường cloud.
- Hỗ trợ RESTful APIs: Spring Boot cung cấp các tính năng mạnh mẽ để phát triển các RESTful APIs một cách dễ dàng và nhanh chóng.
- Tích hợp tốt với Spring Ecosystem: Spring Boot tích hợp tốt với các thành phần của Spring Framework, bao gồm Spring MVC, Spring Data, và Spring Security, giúp việc phát triển ứng dụng trở nên linh hoạt và hiệu quả.
- Cộng đồng lớn và hỗ trợ tốt: Spring Boot có một cộng đồng lớn và tích cực, cung cấp nhiều tài liệu, hướng dẫn và hỗ trợ từ các chuyên gia và cộng đồng người dùng.
Tham khảo tài liệu: Spring Boot Tutorial - Tiếng Anh
3.4 Java Microservice Frameworks
- Học về Microservice nói chung và những Framework liên quan đến chúng nói riêng là những kiến thức vô cùng tốt cho thời đại ngày nay khi mà đòi hỏi về mặt công nghệ ngày một phát triển và khắt khe hơn. Dưới đây là những lí do bạn nên học và tìm hiểu về microservice.
- Kiến thức hiện đại về kiến trúc phần mềm: Microservices là một kiến trúc phần mềm hiện đại, phù hợp với các ứng dụng phát triển theo mô hình đám mây và dịch vụ. Việc hiểu và áp dụng kiến thức về microservices sẽ giúp bạn cập nhật và nắm bắt những xu hướng mới trong lĩnh vực phát triển phần mềm.
- Liên kết hóa ứng dụng: Microservices chia nhỏ ứng dụng thành các dịch vụ nhỏ độc lập, dễ quản lý và mở rộng. Việc học và áp dụng microservices giúp bạn tạo ra các ứng dụng linh hoạt, dễ bảo trì và mở rộng.
- Hiệu suất và mở rộng: Microservices cho phép mở rộng một phần của ứng dụng mà không cần mở rộng toàn bộ hệ thống. Điều này giúp tăng hiệu suất và khả năng mở rộng của ứng dụng trong môi trường sản xuất.
- Tích hợp dễ dàng: Microservices cho phép tích hợp dễ dàng với các dịch vụ và hệ thống khác. Điều này giúp tạo ra các hệ thống phức tạp mà không cần thay đổi toàn bộ kiến trúc.
- Thị trường lao động: Kiến thức về microservices là một kỹ năng quý giá trên thị trường lao động. Việc có kinh nghiệm và kiến thức về microservices sẽ giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng và cơ hội việc làm.
- Công nghệ mở và cộng đồng lớn: Cộng đồng phát triển microservices đang phát triển mạnh mẽ và sử dụng nhiều công nghệ mở như Spring Boot, Micronaut, Quarkus, và các nền tảng đám mây như Kubernetes. Việc học microservices giúp bạn tiếp cận với những công nghệ mới và nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng.
Mặc dù học Spring Boot và Spring Cloud là đủ để phát triển Microservices trong Java, nhưng có một số framework nâng cao hơn mà bạn có thể khám phá, như Microprofile của Eclipse, Micronaut và Quarkus .
Tham khảo tài liệu:
-
Top 5 Java Microservices Frameworks to Learn in 2024 - Tiếng Anh
-
TOP MICROSERVICES FRAMEWORKS IN JAVA - Tiếng Anh
4. Testing
-
Kiểm thử là một kỹ năng cần thiết đối với bất kỳ lập trình viên Java nào, đặc biệt là kiểm thử đơn vị (Unit Testing), kiểm thử tích hợp (Integration Testing) và kiểm thử tự động hóa. Ở mức tối thiểu, mọi java dev đều phải làm quen với JUnit và Mockito , hai trong số thư viện Mock và thử nghiệm Đơn vị phổ biến nhất.
-
Nếu bạn biết hai điều này và biết cách sử dụng chúng để tạo một bài kiểm thử đơn vị một cách hiệu quả, bạn sẽ giỏi hơn nhiều so với việc không có chúng.
-
Có nhiều thư viện nâng cao hơn như Cucumber dành cho thử nghiệm hướng doanh nghiệp, Robot Framework để thử nghiệm tích hợp, nhưng không có thư viện nào thay thế được JUnit, bạn sẽ luôn cần điều đó.
-
Khi nói đến thư viện mô phỏng mocking library, bạn có một số lựa chọn như PowerMock, Mockito và EasyMock. Tuy nhiên, mình thực sự khuyên bạn nên học Mockito vì đây là một thư viện rộng lớn và cũng có nhiều developer và công ty Java đang làm và sử dụng. Nó đang dần trở thành thư viện tiêu chuẩn để tạo các đối tượng giả trong Java.
Tham khảo tài liệu:
-
JUnit Tutorial - Tiếng Anh
-
Mockito Tutorial - Tiếng Anh
-
Unit Testing in Spring Boot Project using Mockito and Junit - Tiếng Anh
-
How to Write Test Cases in Java Application using Mockito and Junit? - Tiếng Anh
5. Thư viện
Sức mạnh thực sự của Java nằm ở hệ sinh thái sôi động gồm các thư viện nguồn mở. Bạn sẽ tìm thấy các thư viện có thể thực hiện hầu hết mọi thứ trong Java, từ ghi nhật ký đến học máy , từ gửi yêu cầu HTTP đến phân tích cú pháp JSON, v.v.
Mình sẽ liệt kê nhanh một vài thư viện tiện ích mà bất kỳ lập trình viên Java nào cũng nên biết:
- Apache Commons Lang: Cung cấp các tiện ích cho các thao tác cơ bản trên chuỗi, số, mảng, và nhiều hơn nữa. Giúp việc lập trình trở nên đơn giản hơn bằng cách cung cấp các phương thức tiện ích cho các nhiệm vụ phổ biến.
- Guava: Thư viện tiện ích từ Google cung cấp nhiều công cụ hữu ích cho lập trình Java. Bao gồm các tiện ích cho bộ sưu tập, chuỗi, I/O, và các tính năng bổ sung cho Java Collection Framework.
- Jackson & Gson: Thư viện xử lý JSON & Gson khá phổ biến trong Java. Cho phép chuyển đổi giữa JSON và Java Objects một cách dễ dàng và hiệu quả.
- JUnit: Framework kiểm thử đơn vị phổ biến trong Java. Hỗ trợ việc viết và chạy các test cases để đảm bảo tính đúng đắn của mã nguồn.
- Log4j/Logback: Thư viện ghi nhật ký cho ứng dụng Java. Cho phép ghi nhật ký các thông điệp, cảnh báo và lỗi để hỗ trợ quản lý và xác định sự cố trong quá trình chạy ứng dụng.
- Apache Commons IO: Cung cấp các tiện ích cho việc xử lý I/O trong Java. Hỗ trợ đọc, ghi và xử lý các tệp, thư mục, và luồng dữ liệu.
- Lombok: Thư viện giúp giảm bớt việc viết mã lặp lại bằng cách tự động tạo các phương thức getter, setter, equals, hashCode, và toString từ các annotation.
- HTTP Libraries [HttpClient] : HttpClient là một thư viện mã nguồn mở được cung cấp bởi Apache, được sử dụng để gửi và nhận các yêu cầu HTTP trong ứng dụng Java. Thư viện này là một công cụ mạnh mẽ để phát triển ứng dụng Java tương tác với các dịch vụ web và API.
6. Cơ sở dữ liệu
Một trong những thứ cũng không kém phần quan trọng đó chính là cơ sở dữ liệu. Hầu hết mọi ứng dụng đều cần tới cơ sở dữ liệu nên chắc chắn rồi không bao giờ có chuyện bỏ qua mà không học nó cả.
Dưới đây là một vài cơ sở dữ liệu mà bạn nên dành thời gian để học và tìm hiểu:
- MySQL: Phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp. Tích hợp tốt với Java thông qua JDBC. Cung cấp hiệu suất tốt cho các ứng dụng web và doanh nghiệp.
- Oracle: Thích hợp cho các dự án doanh nghiệp lớn với yêu cầu cao về bảo mật và quản lý dữ liệu. Java có sự tích hợp sâu sắc với Oracle Database thông qua JDBC và các công nghệ khác.
- PostgreSQL: Mạnh mẽ và linh hoạt, hỗ trợ một loạt các tính năng tiên tiến. Đặc biệt phù hợp cho các dự án có yêu cầu về tính toàn vẹn dữ liệu và khả năng mở rộng.
- MongoDB: Cơ sở dữ liệu không cấu trúc (NoSQL), thích hợp cho các ứng dụng có yêu cầu linh hoạt và mở rộng. Sử dụng dưới dạng JSON, dễ dàng tích hợp với các ứng dụng Java.
- Redis: Dùng phổ biến cho việc lưu trữ cache và thông tin phiên. Java có thư viện tương thích tốt với Redis, giúp tối ưu hóa hiệu suất ứng dụng.
3 cơ sở dữ liệu đầu với những bạn mới bắt đầu thì có thể lựa chọn một trong 3 để tìm hiểu để sử dụng. Không nhất thiết phải chọn cả 3 cùng lúc. 2 cơ sở dữ liệu sau thì mình khuyên bạn nên tìm hiểu để phục vụ cho sau này. Ngoài danh sách trên còn rất nhiều các cơ sở dữ liệu khác nữa nhưng nó sẽ phụ thuộc vào dự án của bạn sau này nên đến lúc đó gặp cái nào thì mình chiến cái đó.
- Truy cập cơ sở dữ liệu là một phần quan trọng của nhiều ứng dụng và Java đi kèm với API JDBC ( Kết nối cơ sở dữ liệu Java ) cung cấp một bộ API tiêu chuẩn để kết nối với bất kỳ cơ sở dữ liệu quan hệ nào. Học JDBC là một trong những bước chân đầu tiên mà mình nghĩ lập trình viên Java nào cũng đã từng đi qua để hiểu hơn về cách kết nối cơ sở dữ liệu, sau đó là Hibernate và JPA (Java Persistence API) sẽ là những sự lựa chọn tuyệt vời. Và còn rất nhiều cái tên khác nữa nhưng nhìn chung sẽ luôn có rất nhiều tài liệu hướng dẫn bạn cách sử dụng và kết nối tới chúng nên bạn hãy cứ yên tâm.
D. Kết luận
WAKE YOUR ASS UP - "Đừng lêu lổng nữa, xốc lại mình và bắt tay vào việc nào!"