Môi trường làm việc ở Mỹ và Trung Quốc
Đây là một đoạn trích trong cuốn 42 năm làm ăn ở Mỹ và Trung Quốc của Alan Phan, mình thấy rất thú vị vì nó nói rõ sự khác biệt giữa môi trường làm việc, văn hóa và cả thái độ làm việc giữa người phương Tây và người châu Á nói chung.
Trong các cuộc họp ở Mỹ, ngay cả cô thư ký trong công ty vốn chỉ có nhiệm vụ ghi chép lại nội dung cuộc họp cũng có quyền và thích đứng lên góp ý kiến về... chiến lược của công ty. Ngược lại, từng tham gia nhiều cuộc họp ở các công ty Trung Quốc, tôi ít thấy ý kiến của nhân viên, mà phần lớn đề tài thảo luận dựa trên sự chủ động của lãnh đạo (nói và nói).
Chính vì lối văn hóa khác biệt này, khi bước vào một công ty ở Trung Quốc, tôi lập tức được nhân viên lễ phép cúi chào. Còn ở Mỹ, nhìn thấy tôi đi vào, nhân viên còn gác chân lên ghế nói chuyện riêng tư qua điện thoại, chứ đừng nói đến chuyện chào hỏi.
Bản thân mình cũng đã trải nghiệm qua việc này. Trong các cuộc họp hoặc tranh luận giữa các thành viên trong công ty, dù không phải chuyên môn của mình (frontend) thì mình vẫn thoải mái nhảy vào tranh luận hoặc đưa ra ý kiến. Và tất cả mọi người đều rất lắng nghe.
Đây cũng là một điểm thuận lợi khi bạn muốn chủ động thể hiện khả năng của mình, và đạt được lòng tin của mọi người. Trong trường hợp của mình thì sau vài lần nhảy vào góp ý như vậy, bây giờ mình luôn được chủ động mời vào tham gia các buổi họp khi đưa ra quyết định về kĩ thuật trong team.
Tiếp.
Nhưng bù lại, tôi có thể khẳng định, năng suất làm việc của nhân viên Mỹ gấp khoảng năm lần nhân viên Trung Quốc trong cùng một lĩnh vực.
Tôi có thuê một kỹ sư Mỹ làm việc tại nhà máy ở Trung Quốc. Khi máy hỏng, anh ta miệt mài sửa chữa cho bằng được, dù lúc đó đã là 11 - 12 giờ đêm. Một kỹ sư Trung Quốc khác ở đây sẽ về đúng 5h30 chiều dù công việc chưa xong.
Bên Mỹ, khi chọn nhân viên, tôi thích nhân viên Mỹ gốc Trung Quốc, bởi họ đạt được cả hai điều: hiệu suất và lễ phép.
Cái này thì cũng đúng luôn.
Thái độ làm việc của mấy bạn bên này rất nghiêm túc. Tinh thần trách nhiệm cực kỳ cao. Một phần cũng vì văn hóa bên này, chuyện hình ảnh và uy tín là rất quan trọng, mà để tạo dựng được hình ảnh tốt của bản thân, không có cách gì khác ngoài việc thể hiện qua công việc.
Nói đi cũng phải nói lại, bản thân mình cố gắng thôi vẫn chưa đủ, quan trọng là ở giới lãnh đạo trong công ty, họ cũng rất lưu ý nếu có ai làm việc cống hiến, hoặc có ai làm việc lười biếng, cẩu thả. Chỉ có điều họ không nói ra, nhưng mọi thứ vẫn được ngấm ngầm ghi nhận.
Về chuyện năng suất làm việc của người Mỹ so với người Trung Quốc (hay châu Á nói chung) thì mình không có bình luận gì. Đa số những nhận xét của người phương Tây (hoặc như bác Alan Phan, là chủ doanh nghiệp phía Mỹ) về nhân viên ở châu Á, là mối quan hệ kiểu "làm thuê", mà bản tính dân châu Á thì ăn chắc mặc bền, người ta thuê mình làm bao nhiêu, mình chỉ làm bấy nhiêu đó thôi, để còn về lo cho gia đình và vợ con nữa, cho nên mới có chuyện "đúng 5h30 đi về". Còn đâu những thứ như công việc, hay lợi ích công ty, vốn đã nằm ngoài scope của một người "đi làm thuê' rồi.
Chính vì vậy mà nhìn nhận của phần lớn các ông chủ phương Tây với người làm công ở châu Á (kể cả Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam,...) đều không tốt đẹp gì mấy.
Còn bản thân người châu Á khi đi ra các nước phương Tây làm việc, họ làm việc rất hăng máu. Một phần là để chứng tỏ bản thân trong mắt đồng nghiệp và người quản lý, cộng thêm bản tính chịu khó và cần cù, thông minh, đa số kết quả là về năng suất, họ không thua kém gì dân bản xứ, có khi còn vượt trội hơn. Và vì mang trong mình dòng máu châu Á, người ta ít khi ca thán hay đòi hỏi, ý kiến này nọ (thực ra là quen cái nếp sống ở nhà), đâm ra lại được lòng nhà quản lý hơn mấy anh bạn Tây.
Bản thân mình khi vào công ty, vì quen với cách hành xử khi còn ở Việt Nam, khi sếp hỏi cần gì không, mình chỉ yêu cầu 1 cái laptop và 1 cái màn hình, còn mấy anh bạn trong team thì nào là màn hình đôi, bàn standing desk, giá đỡ laptop, đèn bàn, fidgets... đủ kiểu :)) giờ nghĩ lại thấy mình dại ghê luôn :(