Mở đầu
Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) đã mang lại những thay đổi mang tính cách mạng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, định hình lại cách chúng ta tương tác với công nghệ hàng ngày. Từ chăm sóc sức khỏe, tài chính hay đến giáo dục. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển ngày càng nhanh, điển hình như trong thời gian gần đây với sự trỗi dậy của các mô hình Super Large Model đã làm khuynh đảo giới công nghệ và toàn thế giới, con người ngày càng tiến dần hơn tới khái niệm AI thực thụ. Lúc này, chúng ta càng không thể bỏ qua một vấn đề đó chính là mặt đạo đức trong việc phát triển hay sử dụng các sản phẩm AI, khi thứ mà giới AI quan tâm duy nhất hiện giờ là cải tiến mô hình ngày càng mạnh mẽ hơn. AI có thể trở thành một nền văn minh mới của nhân loại hoặc cũng có thể trở thành một quả bom nguyên tử nếu như không có bất kỳ nguyên tắc chặt chẽ nào trong việc phát triển AI. Một lần nữa, bài viết này của mình sẽ đề cập tới tầm quan trọng của đạo đức trong việc phát triển AI.
Tham vọng của con người
Tạo hóa đã ban tặng cho con người trí thông minh vượt trội so với các loài động vật khác. Ngay từ thời tiền sử, con người đã biết tận dụng trí thông minh của mình để sáng tạo ra các công cụ giúp đỡ trong cuộc sống và giảm thiểu sức lao động. Trí tuệ của con người phát triển liên tục và đến ngày nay, hàng ngàn máy móc đã được phát triển. Tuy nhiên, sự khát khao của chúng ta không chỉ đến vậy. Chúng ta mong muốn một thứ gì đó thông minh hơn, tự động hơn và có khả năng suy nghĩ như con người.
Từ những năm 1950, khái niệm về Trí tuệ nhân tạo đã bắt đầu xuất hiện, đó là một hệ thống có khả năng hoạt động và suy nghĩ tự động giống như con người, có thể giải quyết các vấn đề phức tạp và đa dạng một cách độc lập.
Hay sự ra đời của Turing test, khái niệm này được đề xuất bởi nhà toán học và nhà máy tính học người Anh Alan Turing. Ý tưởng của bài kiểm tra Turing là đề xuất một tiêu chuẩn để đánh giá xem một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể được coi là có khả năng suy nghĩ và thông minh như con người hay không.
Như chúng ta có thể thấy, từ những năm 1950 của thế kỷ trước, con người đã có tham vọng tạo ra một hệ thống máy móc hoàn hảo có khả năng suy nghĩ giống con người.
Những gì chúng ta đã làm được
Sự trưởng thành của AI
1. Từ một cậu bé đến người khổng lồ Trong những năm 50 của thế kỷ trước, khi trí tuệ nhân tạo vừa mới ra đời, các mô hình AI chỉ được xây dựng cho bài toán đơi giản như phân loại ảnh nhị phân chỉ gồm một lớp Perceptron, với số lượng tham số không vượt quá vài chục. Tuy nhiên, trong hơn tám thập kỷ qua, những mô hình nhỏ bé đó đã tiến hóa mạnh mẽ và trở thành những siêu mô hình khổng lồ có số lượng tham số lên đến hàng tỉ.
Để xây dựng một hệ thống general AI hoàn hảo như con người, chúng ta cần tiến bộ đồng thời trong nhiều lĩnh vực, từ khoa học máy tính đến vật lý, sinh học, tâm lý học và nhiều lĩnh vực khác. Sự thử thách đối với những nỗ lực này là vô cùng khó khăn và đầy cam go. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu này, khi mà AI đã vượt qua khả năng của con người ở một số tác vụ như: nhận dạng, xử lý ngôn ngữ, hay các trò chơi....
2. Sự tăng trưởng của AI
Theo như một báo cáo gần đấy của Precedence Research một công ty chuyên về nghiên cứu thị trường, về sự tăng trưởng của thị trường AI. Thị trường trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu trong năm 2022 được ước tính là 119,78 tỷ đô la Mỹ và dự kiến đạt con số lên đến 1.591,03 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 với mức tăng trưởng hàng năm trung bình là 38,1% từ năm 2022 đến năm 2030. Đặc biệt là thị trường Châu Á Thái Bình Dương của chúng ta được dự kiến là tăng trưởng cao nhất với mức tăng trưởng lên tới 42%. Với sự tăng trưởng ấn tượng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi người người nhà nhà lại đổ xô đi học AI. Từ những trường về IT cho tới những trường nghe tên chẳng liên quan gì tới IT cũng đều mọc lên mấy ngành như Trí tuệ nhân tạo, Khoa học máy tính, Khoa học dữ liệu....
Những giá trị mà AI mang lại
Trong thời kỳ 4.0 hiện nay, có thể nói rằng AI đã trở thành một trong những công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, nó đem lại rất nhiều giá trị cho con người. Từ việc cải thiện đời sống hàng ngày hay đến các ứng dụng trong lĩnh vực y tế, giáo dục hay kinh tế...v...v.
AI đã đi vào đời sống của chúng ta và xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như:
1. Y tế: AI đang được sử dụng để hỗ trợ các bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong quá trình khám bệnh, AI có thể được áp dụng để giúp định vị và phân loại các khối u, từ đó tránh trường hợp bỏ sót các khối u quan trọng. Đồng thời, AI cũng có thể giúp đưa ra các kế hoạch điều trị tối ưu dựa trên dữ liệu bệnh lý của bệnh nhân. Một ví dụ điển hình về việc áp dụng AI trong điều trị ung thư là hệ thống IBM Watson for Oncology, một công nghệ được phát triển để hỗ trợ bác sĩ trong việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
2. Giáo dục: Một ví dụ điển hình cho việc sử dụng AI trong giáo dục, chính là hệ thống Elsa hệ thống này nổi tiếng thì khỏi bàn. Elsa sử dụng một hệ thống AI để đánh giá phát âm của người dùng và cung cấp các gợi ý và lời khuyên để cải thiện. Nó sử dụng các thuật toán AI để phân tích giọng nói của người dùng và so sánh với phát âm chuẩn để đưa ra điểm số và các đề xuất cải thiện. Điều này giúp người học tiếng Anh nâng cao kỹ năng phát âm một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3. Làm đẹp: Ứng dụng làm đẹp đã trở thành một công cụ quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong thời đại công nghệ ngày nay. Với nhu cầu ngày càng cao về việc tạo ra hình ảnh hoàn hảo, các ứng dụng này đã giúp cho người dùng có thể chỉnh sửa và cải thiện hình ảnh của mình một cách dễ dàng. Từ việc làm mịn da, làm đẹp mắt, trang điểm ảo đến thử các kiểu tóc khác nhau, ứng dụng làm đẹp đã giúp cho người dùng có thể thay đổi hình ảnh của mình một cách nhanh chóng và tiện lợi. Mà đặc biệt đối với các Idol tóp tóp, thì việc sử dụng các ứng dụng làm đẹp để giữ gìn hình ảnh hoàn hảo khi quay video hay livestream trở thành một điều vô cùng cần thiết để họ có thể duy trì sự nổi tiếng và thu hút sự quan tâm của khán giả. Nhưng mà điều này thì lại làm cho anh em rất khó phân biệt thật giả 😁.
4. Nhà thông minh: Trong những năm gần đây, việc biến các ngôi nhà trở thành nhà thông minh (Smart Home) đã dần trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là đối với các gia đình có điều kiện và sẵn sàng đầu tư. Khi sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngôi nhà của mình, chúng ta có thể kiểm soát các thiết bị trong nhà bằng giọng nói hoặc chỉ bằng cách chạm vào màn hình điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng. Hơn nữa, các hệ thống AI có thể được tích hợp vào các thiết bị như đèn điện, máy lạnh... để tự động điều chỉnh phù hợp với nhiệt độ, ánh sáng dựa vào môi trường xung quanh hoặc thân nhiệt của chủ nhân. Điều này mang lại cho người dùng sự thuận tiện và tiết kiệm thời gian, đồng thời giúp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong nhà.
5. Ngoài ra AI còn rất nhiều ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau nữa mà trong phạm vi bài viết này mình không thể kể ra hết được.
Ngoài những ảnh hưởng tích cực mà Trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại cho chúng ta, không thể không nhắc tới những tác động tiêu cực mà con người đã lợi dụng AI vào mục đích "chạy đua công nghệ" hoặc "kiếm tiền" mà bỏ qua các tác động xấu của nó đối với xã hội và con người. Mình sẽ nói kĩ hơn về vấn đề này trong các phần tiếp theo.
AI sẽ hủy diện thế giới như trong phim?
Chắc chắn đam mê của nhiều bạn đang đọc bài này của mình là ngồi cày nát mấy bộ phim về khoa học viễn tưởng, hay thậm chí còn nguồi tưởng tượng xem nếu ngày đó xảy ra thì mình sẽ làm gì "cầm súng chạy ra ngoài bắn tung đuýt mấy con robot", hay là "nghĩ cách chốn kiểu gì cho nó không tìm ra được mình =)))".
Trong nhiều bộ phim viễn tưởng như The matrix, khi mà AI đã trở lên quá thông minh và nó quyết định chiếm đoạt và kiểm soát loài người, sử dụng con người như một nguồn năng lượng. Hay The Terminator, bộ phim này kể về cuộc chiến giữa con người và Skynet, một hệ thống AI mà đã trở nên quá thông minh và quyết định tiêu diệt loài người. Nhưng liệu AI có hủy diệt thế giới theo cách đó không?
Thật ra, trong quá khứ cũng đã có những nhân vật có tầm ảnh hưởng đưa ra những lời cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn khi các hệ thống AI khi ngày càng phức tạp:
Thật ra, trong quá khứ cũng đã có những nhân vật có tầm ảnh hưởng đưa ra những lời cảnh báo về những nguy hiểm tiềm ẩn khi các hệ thống AI khi ngày càng phức tạp:
- Elon Musk: CEO của Tesla và SpaceX đã đưa ra nhiều cảnh báo về tiềm năng nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo. Ông đã miêu tả AI là "vũ khí nguy hiểm nhất của loài người" và cảnh báo rằng nó có thể gây ra thảm họa cho nhân loại.
- Bill Gates: Nhà sáng lập Microsoft cũng đã đưa ra cảnh báo về tiềm năng nguy hiểm của AI. Ông đã nói rằng "Khi chúng ta đang tạo ra AI mà sẽ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề phức tạp hơn, chúng ta cũng đang tạo ra một thứ mà chúng ta không thể kiểm soát".
- OpenAI: Tổ chức nghiên cứu AI có trụ sở tại Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo về tiềm năng nguy hiểm của trí thông minh nhân tạo. Tổ chức này cho rằng AI có thể gây ra các vấn đề về đạo đức, an ninh và tự động hóa công việc, và rằng cần có nhiều nghiên cứu để đảm bảo rằng AI được sử dụng an toàn và đúng đắn.
Quay lại với câu hỏi phía bên trên của mình rằng "liệu AI sẽ hủy diệt thế giới theo cách mà các bộ phim đã làm?" Theo quan điểm cá nhân của mình thì có lẽ sẽ khó xảy ra, vì sao mình nói là khó chứ không phải là chắc chắn không, bởi mình cũng không chắc chắn được việc tương lai AI sẽ thông minh đến đâu và việc con người sẽ kiểm soát AI ra sao. Nhưng xét về thời điểm hiện tại thì mình nghĩ AI sẽ có những tác động tiêu cực đến xã hội như: "Mất việc làm", "Lợi dụng lừa đảo", "Bất chấp kiếm tiền"...v...v. Ở phần tiếp theo mình sẽ nói về vấn đề này.
Sự bảo mật và quyền riêng tư bị đánh mất
Nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã bất chấp vi phạm quyền riêng tư của người dùng bằng cách thu thập, sử dụng và chia sẻ dữ liệu của họ mà không có sự đồng ý. Những hành động này là một cuộc tấn công trực tiếp vào sự riêng tư và tự do của người dùng, những hành động này không chỉ làm giảm niềm tin của họ vào các công ty công nghệ mà nó còn có nguy cơ bị rò rỉ thông tin của người dùng ra bên ngoài.
Google, trong việc thu thập dữ liệu từ các mạng Wi-Fi công cộng thông qua các thiết bị Street View, đã xâm phạm quyền riêng tư của hàng triệu người dùng. Và Facebook cùng với Cambridge Analytica đã phá hoại quyền riêng tư của hàng triệu người dùng khi thu thập dữ liệu cá nhân của họ một cách trái phép qua các ứng dụng trên nền tảng Facebook, sau đó sử dụng thông tin này để tạo ra các quảng cáo chính trị và chi phối kết quả bầu cử.
Việc sử dụng dữ liệu người dùng trong các ứng dụng AI cũng đặt ra thách thức về tính minh bạch và trách nhiệm của các công ty công nghệ. Microsoft đã phải đối mặt với chỉ trích vì sử dụng hình ảnh khuôn mặt của người dùng một cách không minh bạch trong ứng dụng trực tuyến How-Old.net của họ. Các hành động này đáng bị lên án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Hay mọi người có bao giờ để ý việc mình vừa lên google search "điện thoại", "máy ảnh"... là một lúc sau trên Facebook xuất hiện tràn ngập thông tin về chủ đề ngày không, và tất cả đều có dòng chữ nho nhỏ "Được tài trợ". Đúng thế, Facebook đã theo dõi người dùng không chỉ riêng trong ứng dụng của họ, mà họ còn theo dõi chúng ta ở mọi lúc mọi nơi. Thậm chí cả nghe lén.
Bất chấp rủi do
Một trong những lo ngại đó là khả năng mô hình AI không thể hoạt động đúng như dụ đoán trong một số trường hợp. Điều này dẫn đến các hậu quả không mong muốn, đặc biệt khi mô hình sử dụng trong các hệ thống yêu cầu độ chính xác tuyệt đối. Tuy nhiên, như đã nói ở trên nhiều tổ chức và doanh nghiệp vẫn quyết định đưa các mô hình AI chưa hoàn thiện vào hoạt động với mục đích chạy đua công nghệ hay kiếm tiền mà không mảy may quan tâm đến rủi do mà nó đem đến. Tesla, một hãng oto điện nổi tiếng là một trong những ví dụ điển hình.
Hãy xem xét vụ tai nạn kinh hoàng năm 2016 liên quan đến một chiếc xe Tesla Model S ở Florida, Mỹ, khi hệ thống tự lái của chiếc xe không nhận ra một chiếc xe tải đang đỗ ở phía trước và đã va chạm với nó. Người lái đã thiệt mạng trong vụ tai nạn này.
Hãy cùng nhìn vào vụ tai nạn khác năm 2018 khi một chiếc xe Tesla Model X đang chạy ở chế độ tự lái va chạm vào rào chắn trên đường cao tốc 101 ở California, Mỹ. Người lái đã bị thương nặng và qua đời sau đó. Tuy nhiên, Tesla cho rằng đây không phải là lỗi của hệ thống AI mà là do người lái không đủ chú ý khi điều khiển chiếc xe. Nhưng liệu đó có phải là sự thật hay chỉ là lời biện hộ cho sự thiếu suy nghĩ của Tesla?
Giải thích cho việc các hãng công nghệ bất chấp rủi do và đưa các mô hình AI vừa mổ vỏ của mình vào thực tế có thể bởi áp lực cạnh tranh, nhu cầu phát triển sảm phẩm nhanh chóng, hay là do sự lạc quan về khả năng mà công nghệ AI mang lại.
Mất kiểm soát
Khi mọi thứ phát triển quá mạnh mẽ đồng nghĩa với việc các hệ thống AI ngày càng trở lên khổng lồ và phức tạp thì việc kiểm soát và giám sát các hệ thống AI trở nên khó khăn hơn. Bản thân các mô hình AI được học hỏi từ các bộ dữ liệu khổng lồ, chứa hàng tỷ nội dung trên internet, thì việc xử lý toàn bộ lượng dữ liệu khổng lồ đó là điều cực kỳ khó khăn, dẫn tới việc không ít lượng dữ liệu "không sạch" được đưa vào cho AI học hỏi. Điều này dẫn tới việc AI đưa ra các quyết định không chính xác và không thể kiểm soát chính xác chất lượng đầu ra của các mô hình AI.
Các trường hợp điển hình cho việc không kiểm soát được sản phẩm AI của chính mình từ các tập đoàn công nghệ như:
- AI chatbot Tay phân biệt chủng tộc và phân biệt giới tính của Microsoft (2016).
- AI của Google trong Google Photos (2015): Google Photos, sử dụng AI để nhận dạng và phân loại hình ảnh, đã gây tranh cãi khi xác định nhầm người da đen là khỉ đột.
- Tháng 7 năm 2017, Facebook đã đưa ra một thông tin gây chấn động trong cộng đồng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo khi hai chatbot của họ đã tạo ra một ngôn ngữ riêng để nói chuyện với nhau buộc họ phải ngừng hoạt động các chatbot này lại.
Hay đáng nói nhất là gần đây chính là sự lổi dậy của các mô hình Super Large Model, điển hình ở đây phải nhắc đến là chatGPT do con kỳ lân OpenAI phát triển. Tại thời điểm chatGPT được ra mắt vào tháng 11 năm 2022 nó đã làm chấn động toàn thế giới về độ thông minh chưa từng có chỉ sau 2 tháng phát hành nó đã đạt được con số 100 triệu người dùng và trở thành một ứng dụng đạt 100 triệu người dùng nhanh nhất từ trước tới giờ. Trước đó, các hãng công nghệ như google, Amazon... cũng có những con trợ lý ảo như Google Assistant hay Alexa, nhưng những con chatbot này chỉ dừng lại ở mức độ hỏi đáp cực kỳ cơ bản với những câu trả lời thường lặp đi lặp lại và không có tính generative. Nhưng thông minh đến cỡ nào thì cũng phải có nhược điểm thôi, vậy nhược điểm của ChatGPT là gì?
Đằng sau khả năng thông minh khủng khiếp của ChatGPT là lượng dữ liệu khổng lồ được nạp vào nó, nhưng có một vấn đề là lượng dữ liệu đó thật hỗn tạp và OpenAI không thể xử lý được triệt để đống dữ liệu đó. Điều này dẫn tới việc không thể kiểm chứng được đầu ra của ChatGPT. Nó có thể đưa ra các câu trả lời chém gió như thần (Vì bản chất là nó luôn luôn phải đưa ra một câu trả lời) đọc thì có vẻ như rất đúng, nhưng thực chất kiến thức bên trong đó thì sai hoàn toàn, việc đưa ra một thông tin sai hoàn toàn nhưng văn phong thì rất tự tin, khiến cho người đọc tin rằng đó là thật. Điều này nguy hiểm biết chừng nào?
Bất chấp việc chatGPT vẫn còn rất nhiều nhược điểm, các tập đoàn công nghệ trên toàn thế giới vẫn bất chấp và chạy theo miếng phô mai béo bở mang tên Large Language Model vì những gì nó mang lại là quá lớn. Từ khi ChatGPT ra đời thì các repo về LLM mọc lên như nấm sau mưa vậy =)))
Sự ăn mòn của AI
Mất việc làm:
Chúng ta đang sống trong một thời đại của sự tiến bộ công nghệ, khi mà sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một trong những xu hướng quan trọng nhất trong ngành công nghiệp. Việc sử dụng AI và các hệ thống tự động hóa nó cũng giống như con dao hai lưỡi vậy, nó có thể giúp chúng ta giảm thiểu công việc và tối ưu hoá quá trình sản xuất. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của AI cũng mang đến cho chúng ta những thách thức về đạo đức, xã hội và kinh tế.
Nếu AI trở nên quá thông minh và tự động hóa nhiều công việc, chúng ta có thể đối mặt với nguy cơ mất đi hàng triệu việc làm. McKinsey Global Institute đã dự báo rằng đến năm 2025, khoảng 75 triệu công việc sẽ bị thay thế bởi robot hoặc AI, đặc biệt là ở các ngành công nghiệp đang tự động hóa cao như sản xuất, bán lẻ và dịch vụ khách hàng.
Thật ra trong vấn đề này thì cũng có các quan điểm khác nhau về việc AI và các hệ thống máy móc tự động thay thế con người:
- Một số cho rằng việc này là điều hiển nhiên và rất bình thường trong quá trình phát triển của xã hội. Các công nghệ tiên tiến và tự động hóa đang được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, giúp tăng năng suất, tiết kiệm thời gian và chi phí. Nhờ đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu suất và tăng lợi nhuận.
- Tuy nhiên, một quan điểm khác thì cho rằng việc phát triển công nghệ quá nhanh có thể khiến cho người lao động xoay sở không kịp để thích nghi, gây ra những tiêu cực đến các nhân viên lao động. Khi các công việc bị thay thế bởi các hệ thống tự động như AI, các công nhân có thể mất việc làm, thất thoát thu nhập, ảnh hưởng đến cuộc sống, gia đình.
Dù là quan điểm nào đi chăng nữa, thì mục đích của việc tạo ra các hệ thống AI là để giúp đỡ con người chứ không phải triệt đường sống của con người. Vậy nên, khi chúng ta phát triển các hệ thống AI cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng đến các tác động của nó lên con người và xã hội.
Lợi dụng AI để phạm pháp:
Mặc dù việc lợi dụng AI để phạm pháp chưa quá là phổ biến và rộng rãi, nhưng vấn đề này đã xảy ra và đang ngày càng trở nên nhiều hơn. Sự xuất hiện của các hệ thống AI tràn ngập khắp mọi lĩnh vực và với một số kỹ thuật đơn giản, kẻ xấu có thể dễ dàng lợi dụng chúng để thực hiện các hoạt động gian lận, lừa đảo và tấn công mạng. Do đó, đây là một vấn đề đáng lo ngại và rất nghiêm trọng.
Hãy tưởng tượng mà xem, một ngày trời bỗng nhiên bố mẹ bạn lại nhận được cuộc gọi đến từ bạn, Và bạn đã xin tiền bố mẹ để đóng tiền học 20 triệu, 30 triệu hay thậm chí là cả tỉ bạc nếu chúng có những mánh khóe đánh vào sự yếu lòng của bố mẹ bạn. Nhưng tại sao bố mẹ bạn lại không mảy may một chút nghi ngờ nào? Vì người trong video call chính là mặt của bạn, hay thậm chí là giọng của bạn luôn. Nhưng thật ra đó lại chính là các công nghệ AI làm giả để tạo thành, và kẻ đứng đằng sau lại là một người hoàn toàn khác.
Đó là một ví dụ thực tế và cũng là một sự cảnh báo rất quan trọng và cần thiết. Việc lợi dụng AI để lừa đảo và gian lận đã và đang diễn ra, và điều này đang tạo ra những hệ quả rất nghiêm trọng cho con người và xã hội. Chính vì vậy, chúng ta cần thận trọng hơn khi sử dụng công nghệ AI, và đảm bảo rằng chúng ta sử dụng nó một cách đạo đức và có trách nhiệm.
Hãy tưởng tượng nếu như ứng dụng AI tuyệt vời mà bạn tạo ra sau một thời gian nó được rất nhiều người quan tâm và có mặt trên mọi mặt báo, nhưng mà là báo đời, báo xã hội. Mọi vụ bê bối về việc lợi dụng AI để lừa đảo đều có tên công nghệ của bạn. Lúc này những gì bạn có thể làm chỉ có thể là gỡ nó xuống và chịu mọi chỉ trích từ dư luận.
Điều này cũng có nghĩa là chúng ta cần phải đánh giá kỹ các sản phẩm AI trước khi phát triển và triển khai chúng, đảm bảo rằng chúng đáp ứng được những tiêu chuẩn đạo đức và tuân thủ các nguyên tắc chung trong việc sử dụng công nghệ. Hơn nữa, các tập đoàn, các công ty công nghệ cần phải kiểm soát và có những quy định chặt chẽ về việc sử dụng các sản phẩm AI của họ để đảm bảo an toàn và tránh những hậu quả không mong muốn.
Nguyên tắc nào trong phát triển AI?
Mình có nghe được một câu truyện như thế này, nếu như bạn thả một chú ếch vào một nồi nước nóng thì ngay lập tức nó sẽ vẫy vùng và tìm cách nhảy ra ngoài và maybe nó sẽ có cơ hội sống sót. Thế nhưng nếu bạn thả nó vào một nồi nước lạnh và bỏ nó lên bếp lửa. Ban đầu thì chú ếch không hề có phản ứng gì. Nhiệt độ của nồi nước tăng lên từ từ khiến chú ếch thích nghi dần và không hề nhận ra có sự thay đổi. Càng về sau, nồi nước càng trở nên nóng hơn, nhưng chú ếch vẫn không hề để ý đến điều đó, vì nhiệt độ chỉ tăng từ từ mà thôi. Cuối cùng, đến lúc nước sôi thì chú ta mới bắt đầu cảm thấy không thoải mái, nhưng lúc này đã muộn rồi.
Mặc dù thẳng thắn mà nói thì việc các tác động tiêu cực từ AI mang lại cho chúng ta vẫn còn ít hơn nhiều so với những lợi ích mà nó mang lại. Thế nhưng từ câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng nếu không có hành động kịp thời từ bây giờ, chúng ta sẽ đối mặt với hậu quả nghiêm trọng một ngày không xa.
Hiện nay vẫn chưa có bất kỳ tổ chức chính phủ nào thực sự mạnh tay trong việc kiểm soát các vấn đề về nguyên tắc và đạo đức trong phát triển AI, vậy nên ngay bây giờ các nhà phát triển AI cần phải chú trọng hơn vào các nguyên tắc xây dựng hay kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm của chính mình, và đặc biệt là đề cao vấn đề đạo đức lên hàng đầu.
Để đảm bảo việc phát triển AI đúng đắn và an toàn, chúng ta cần phải tuân thủ một số quy định, ví dụ như:
- Tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu người dùng: Các nhà phát triển AI cần đảm bảo rằng các dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển AI được thu thập và sử dụng một cách hợp lý hợp pháp, tôn trọng quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.
- Không có sự phân biệt đối xử: AI không nên được sử dụng để kích thích sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, giới tính, tôn giáo, hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác của con người.
- Không gây tổn thương cho con người: AI không nên được sử dụng để gây tổn thương cho con người, bao gồm cả việc phát triển các ứng dụng quân sự hoặc vũ khí tự động.
- Có trách nhiệm xã hội: Các nhà phát triển AI cần đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm xã hội, với mục tiêu hỗ trợ con người và cộng đồng.
- Có khả năng giải thích và kiểm soát: Các nhà phát triển AI cần đảm bảo rằng AI được phát triển với khả năng giải thích và kiểm soát, để đảm bảo rằng các quyết định của AI được đưa ra một cách minh bạch và có thể kiểm soát được.
- Có trách nhiệm phát triển: Các nhà phát triển AI cần có trách nhiệm phát triển AI một cách đúng đắn và bảo vệ chúng khỏi sự lạm dụng và sai lệch.
Những nguyên tắc trong phát triển AI là cần thiết để đảm bảo rằng sự phát triển của AI diễn ra trong một môi trường đạo đức và có lợi cho con người. Điều này là quan trọng trong bối cảnh AI đang ngày càng phát triển, đặc biệt là trong từ khoảng cuối năm ngoái cho đến nay chúng ta có thể thấy công nghệ về AI phát triển chóng mặt theo từng ngày. Việc tuân thủ các nguyên tắc này không chỉ giúp chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến đạo đức mà còn đảm bảo rằng AI được sử dụng một cách đúng đắn và mang lại lợi ích cho toàn xã hội.
Lời kết:
Uranium, nó có thể được sử dụng làm nguyên liệu cho quá trình phản ứng hạt nhân và tạo ra điện và nó cũng có thể được chế tạo thành bom nguyên tử có sức công phá khủng khiếp để các quốc gia mang đi phang nhau. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng vậy, nếu chúng ta biết kiểm soát chặt chẽ và đề cao vấn đề đạo đức cho các sản phẩm AI lên hàng đầu, thì nó sẽ giúp loài người tiến xa hơn tới nền văn minh mới. Ngược lại, nếu con người chúng ta chỉ biết sử dụng nó như một công cụ kiếm tiền, bỏ qua mọi tác động tiêu cực của nó lên xã hội và con người, thì đến một ngày nào đó nó sẽ phá hủy loài người như cách quả bom "littel boy" phát nổ.
The end.
P/S: Nếu như mọi người thấy bài viết của mình hay và có ý nghĩa thì hãy cho mình xin một upvote và một bookmark nhé. Cám ơn mọi người!!!!