Trong cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ blockchains và những ứng dụng của nó đã và đang thay đổi hệ thống tài chính của chúng ta. Tuy nhiên, các tính chất của blockchain như phi tập trung và bất biến,.. không chỉ hữu ích trong các ứng dụng về tiền tệ như Bitcoin, ... mà còn trong nhiều lĩnh vực khác trong đó có quản trị.
Công nghệ blockchain có thể cho phép vận hành một dạng tổ chức hoàn toàn mới, nơi mà mọi hoạt động được chạy hoàn toàn tự động mà không cần đến một bên điều hành trung tâm nào. Bài viết này sẽ cho các bạn một cái nhìn tổng quát về các tổ chức này.
DAO là gì?
Decentralized Autonomous Organization (viết tắt DAO) : Tổ chức tự trị phi tập trung.
Một hệ thống DAO được xây dựng dựa trên các quy tắc và mã máy và các chương trình, được vận hành tự động và loại bỏ hoàn toàn cơ quan quản lý trung ương, tạo ra một cấu trúc với sự kiểm soát phi tập trung.
DAO hoạt động như thế nào?
Thông qua việc sử dụng các hợp đồng thông minh (smart contract), một DAO có thể làm việc với các thông tin bên ngoài và thực hiện các lệnh dựa trên chúng một cách tự động mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của con người. Một DAO thường được vận hành bởi một cộng đồng các bên liên quan (stakeholders)và được khuyến khích bằng một loại cơ chế trả thưởng bằng token.
Các quy tắc và các giao dịch (transactions) của một DAO được lưu trữ một cách minh bạch trên blockchain. Các quy tắc thường được quyết định bởi các bên liên quan thông qua hình thức bỏ phiếu. Thông thường, cách các quyết định được đưa ra trong DAO là thông qua các đề xuất. Nếu một đề xuất được đa số các bên liên quan bỏ phiếu tán thành (hoặc hoàn thành một số quy tắc khác được đặt trong các quy tắc đồng thuận mạng), thì nó sẽ được thực hiện.
Hiểu theo một cách nào đó thì một DAO hoạt động tương tự như một công ty hoặc quốc gia, nhưng khác biệt ở chỗ nó lại hoạt động theo kiểu phi tập trung . Trong khi các tổ chức truyền thống hoạt động với cấu trúc phân cấp và nhiều tầng lớp quan liêu, DAO không có hệ thống phân cấp. Thay vào đó, DAO sử dụng các cơ chế kinh tế để gắn kết lợi ích của tổ chức với lợi ích của các thành viên, thường thông qua việc sử dụng lý thuyết trò chơi (game theory)
Về cơ bản, lý thuyết trò chơi là một phương pháp toán học ứng dụng được sử dụng để nghiên cứu hành vi của con người dựa trên việc ra quyết định hợp lý. Trò chơi (the "game") được thiết kế như một môi trường tương tác, do đó người chơi có xu hướng hành động hợp lý khi đáp ứng các quy tắc của trò chơi hoặc sẽ ảnh hưởng của những người chơi khác.
Khái niệm ban đầu được phát triển trong kinh tế học để điều tra hành vi của các doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng, nhưng hiện đang được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nghiên cứu khác. Do đó, các mô hình lý thuyết trò chơi có thể được sử dụng như một công cụ để kiểm tra hành vi tiềm năng của các tác nhân tương tác và kết quả có thể có của các hành động của chúng, trong các trường hợp được xác định trước. Các mô hình cũng có thể được áp dụng trong nghiên cứu rộng rãi về chính trị, xã hội học, tâm lý học và triết học.
Một ví dụ của lý thuyết trò chơi chính là song đề tù nhân
Thành viên của DAO không bị ràng buộc bởi bất kỳ hợp đồng chính thức nào. Họ ràng buộc với nhau bởi một mục tiêu chung và các ưu đãi trên mạng gắn liền với các quy tắc đồng thuận. Các quy tắc chi phối tổ chức này hoàn toàn minh bạch và được viết trong phần mềm mã nguồn mở của mạng đó. Tuy nhiên vì DAO hoạt động không biên giới, chúng có thể phải chịu các khu vực pháp lý khác nhau tùy mỗi quốc gia.
Giống như tên của nó, một DAO có tính phi tập trung và vận hành hoàn toàn tự động. Nó phi tập trung vì không một thực thể nào có thẩm quyền đưa ra và thực thi các quyết định. Và nó tự động vì nó có thể tự vận hành theo mã máy và các quy tắc có sẵn mà không cần ai điều khiển.
Khi một DAO được triển khai, nó không thể được kiểm soát bởi một bên mà thay vào đó được điều chỉnh bởi một cộng đồng người tham gia. Nếu các quy tắc quản trị xác định trong giao thức được thiết kế tốt, chúng sẽ hướng tới kết quả có lợi nhất cho mạng. Nói một cách đơn giản, DAO cung cấp một hệ điều hành để cộng tác mở. Hệ điều hành này cho phép các cá nhân và tổ chức cộng tác mà không cần phải biết hoặc tin tưởng lẫn nhau từ trước.
Ví dụ về DAO
Mặc dù rất nguyên thủy, mạng Bitcoin cũng có thể được coi là ví dụ đầu tiên của DAO. Nó hoạt động theo kiểu phi tập trung và được điều phối bởi một giao thức đồng thuận không có sự phân cấp giữa những người tham gia.
Giao thức Bitcoin xác định các quy tắc của tổ chức, trong khi bitcoin là tiền tệ cung cấp một động lực cho người dùng để bảo mật mạng. Điều này đảm bảo rằng những người tham gia khác nhau có thể làm việc cùng nhau để giữ cho Bitcoin hoạt động như một tổ chức tự trị phi tập trung.
Mục tiêu chung trong trường hợp Bitcoin là lưu trữ và chuyển giá trị mà không cần một thực thể trung tâm điều phối hệ thống. Tuy nhiên, không chỉ dừng laị ở tiền điện tử, DAO còn được sử dụng cho các mục đích khác nhau.
Các DAO phức tạp hơn có thể được triển khai cho các trường hợp sử dụng khác nhau, chẳng hạn như quản trị mã thông báo, quỹ đầu tư mạo hiểm phi tập trung hoặc nền tảng truyền thông xã hội. DAO cũng có thể điều phối hoạt động của các thiết bị được kết nối với Internet of Things (IoT).
Ethereum và “The DAO”
Một trong những ví dụ sớm nhất về DAO có tên là "The DAO". Nó được tạo thành từ các hợp đồng thông minh phức tạp chạy trên blockchain Ethereum được cho là hoạt động như một quỹ đầu tư mạo hiểm tự động.
Các DAO tokens đã được bán trong đợt chào bán tiền ban đầu (ICO) và cung cấp cổ phần sở hữu và quyền biểu quyết trong quỹ phi tập trung này. Tuy nhiên, ngay sau khi ra mắt, khoảng một phần ba số tiền đã bị rút khỏi nó (tương đương 50 triệu $) trong một trong những vụ hack lớn nhất trong lịch sử tiền điện tử.
Kết quả của sự kiện này là Ethereum đã chia thành hai chuỗi sau một đợt hard fork. Nhờ đó các giao dịch gian lận đã được đảo ngược một cách hiệu quả, như thể vụ hack không bao giờ xảy ra. Chuỗi này là thứ mà hiện tại được gọi là Ethereum blockchain (ETH). Tuy nhiên chuỗi cũ vẫn tuân theo nguyên tắc "code is law", đã khiến các giao dịch gian lận không bị ảnh hưởng và duy trì tính bất biến. Blockchain này hiện được gọi là Ethereum Classic (ETC).
Kết luận
DAO cho phép các tổ chức thoát khỏi sự phụ thuộc vào các tổ chức truyền thống. Thay vì một thực thể trung tâm điều phối người tham gia, các quy tắc được vận hành tự động và hướng tới kết quả có lợi nhất cho toàn mạng.
Mạng Bitcoin có thể được coi là một ứng dụng thành công của DAO và cho đến hiện nay, các ứng dụng khác vẫn đang khá hạn chế. Chìa khóa để thiết kế các DAOs tối ưu là đưa ra một bộ quy tắc đồng thuận hiệu quả để giải quyết các vấn đề phức tạp của việc phối hợp các bên tham gia.
Thách thức thực sự đối với việc thực hiện DAO có lẽ không hoàn toàn là công nghệ, mà là chính xã hội. Hy vọng rằng với sự phát triển của blockchain thì các DAOs sẽ được chấp nhận nhiều hơn và ngày càng được ứng dụng nhiều trong các lĩnh vực cuộc sống
Nguồn tham khảo
https://www.binance.vision/blockchain/decentralized-autonomous-organizations-daos-explained#legal